Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An hỗ trợ lao động hồi hương ổn định cuộc sống

Nhọc nhằn tha hương

- Thứ Tư, 08/12/2021, 06:46 - Chia sẻ
Kể từ khi đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát tới nay, đã có gần 100 nghìn người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành phố có dịch trở về quê. Trong đó, trên 66 nghìn người trong độ tuổi lao động bị mất, giãn việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đáng chú ý, số lao động là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng nông thôn chiếm khá đông. Sự di cư “bất đắc dĩ” không chỉ ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người lao động và gia đình của họ mà còn là áp lực lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có cả những người làm tín dụng chính sách…
Cán bộ tín dụng PGD NHCSXH huyện Con Cuông hướng dẫn người lao động hồi hương vay vốn
Ảnh: Đức Kiên

Chưa kịp đổi đời…

Theo chân các cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Con Cuông tới thăm anh Lê Văn Cơ, ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn khi anh vừa trở về sau những ngày chạy dịch Covid-19. Về quê, bình an thì có nhưng không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp; tài sản đáng giá là một ngôi nhà xơ xác với mảnh vườn chưa đầy 200m2. Tương lai mờ mịt hơn khi người mẹ già đi không vững và 3 đứa con lít nhít, ốm nhom đang trông chờ cả vào người đàn ông dân tộc Đan Lai này.

“Tôi không còn gì nữa rồi”! - Anh Lê Văn Cơ mở đầu câu chuyện.

Vốn dĩ, anh Lê Văn Cơ định đến TP. Hồ Chí Minh để làm công nhân, kiếm tiền nuôi mẹ và các con; đồng thời, tìm người vợ (đi làm công nhân tại Bình Dương) đã 3 năm chưa một lần trở về. Nhưng oái oăm thay, giấc mơ nhỏ nhoi ấy đối với anh Cơ thật xa vời. Anh kể, mới vào được 3 tháng thì dịch bắt đầu bùng phát, chưa kịp nhận đủ mức lương 9 triệu đồng/tháng thì công ty xây dựng nơi anh làm việc phải dừng việc. Toàn bộ công nhân của công ty bị cách ly. Số tiền lương thử việc và tạm ứng chỉ đủ cho anh mua được chiếc xe máy cà tàng, trị giá 2 triệu đồng và lộ phí trở về quê.

Cách nhà anh Lê Văn Cơ độ vài trăm mét, Vi Văn Bình, xóm làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông vừa thoát đại dịch trở về; cũng “bị” vợ bỏ vì nghèo quá. Tuy nhiên, may mắn hơn người đồng hương Lê Văn Cơ, anh Bình đi làm lâu năm hơn, đã tích cóp được chút tiền và đang xây nhà mới để chuẩn bị cưới vợ lần hai. Dù đi làm trong Nam mỗi tháng chỉ kiếm được 5 - 6 triệu đồng nhưng mỗi năm cũng để dành được 30 - 40 triệu đồng vì được công ty hỗ trợ tiền ăn.

Cũng giống như Con Cuông, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên những người dân vùng sâu, vùng xa ở huyện miền núi Tương Dương. Đồng bào nơi đây vốn đã khó khăn đủ bề, nay lại càng khó hơn khi nhiều người chấp nhận xa quê, xa gia đình và dồn toàn “lực” cho chuyến làm ăn xa nhưng phải vội vã hồi hương trong cảnh nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, so với đồng bào Đan Lai ở Con Cuông, cuộc sống của những lao động hồi hương là đồng bào dân tộc Thái có phần “sáng” hơn khi bà con có xuất phát điểm cao hơn so với người Đan Lai cả về trình độ, nhận thức cũng như sự tiếp xúc trong làm ăn, buôn bán.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Rất dễ nhận ra những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Con Cuông và Tương Dương. Bởi đây là những huyện miền núi khu vực Tây Nghệ An vốn đã rất khó khăn, nay dịch Covid-19 đã làm cho nhiều hoạt động sản xuất, giao thương đình trệ, thậm chí như du lịch bị đóng băng hoàn toàn.

Bà Lô Thị Mậu, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, huyện Con Cuông cho biết, Lục Dạ là xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,62%. Bởi thế, nhiều lao động đã chọn cách đi làm ăn xa để mong được đổi đời. Thực tế, họ đã góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình và cho địa phương. Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp khiến các lao động phải bỏ công việc và đã có 137 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Khi một số khu công nghiệp hoạt động trở lại cũng chỉ có duy nhất một công dân làm hồ sơ quay lại miền Nam làm việc; còn lại một số vào làm việc ở các tỉnh phía Bắc; số ít làm thợ nề, trong huyện và các huyện lân cận.

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lương Đình Việt chia sẻ, trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, toàn huyện có trên 3.000 lao động đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam trở về quê hương. Đây là một áp lực rất lớn đối với Con Cuông bởi không ai biết trong số lao động trên có bao nhiêu người mang theo mầm dịch bệnh trở về. Quan trọng hơn, chính quyền sẽ phải giải quyết việc làm, đời sống dân sinh và an ninh trật tự ra sao... Cùng với đó, ngoài lao động hồi hương, trên địa bàn huyện có rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Con Cuông đã thực hiện thống kê, làm hồ sơ để các đối tượng này được nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước. Song, các đối tượng như tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ rất khó nhận được sự hỗ trợ bởi hầu hết đều là lao động giản đơn, không hợp đồng, bảo hiểm nên khó có thể chứng minh thu nhập, thiệt hại để được chi trả.

Áp lực của Con Cuông cũng là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương. Theo Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 3,7 nghìn lao động trở về quê tránh dịch. Con số này không chỉ làm gia tăng áp lực đối với toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của một huyện 30a mà còn tiềm ẩn nhiều mối lo khác về an toàn sức khỏe của người dân địa phương cũng như an ninh trật tự trên địa bàn nếu các vấn đề kiểm soát dịch bệnh, giải quyết việc làm, tạo sinh kế không sớm được giải quyết.

Thái Bình