Tản mạn

Nhớ Nguyễn Huy Thiệp

- Thứ Ba, 23/03/2021, 08:35 - Chia sẻ
Có lẽ những gì gai góc, cá tính nhất, Nguyễn Huy Thiệp nhất, ông đã trút hết vào những truyện ngắn, thay vì in hằn trên khuôn mặt...

Hồi nhỏ, cái giá sách trên căn gác lửng của bố cuốn hút tôi nhất, khoảng cuối những năm 1980, là những tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.

Những câu chuyện và nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đã bước thẳng vào não trạng cả triệu lứa sinh nửa đầu 7x như tôi. Những nhân vật của Thiệp ngạo nghễ ném ánh mắt thương hại cùng cái cười nhếch mép dành cho bọn trẻ vốn đang nhìn cuộc sống bằng cái nhìn đơn giản và trắng đen, thiện ác không đan xen. Nhân vật và câu chuyện của ông dạy cho chúng tôi cách chấp nhận. Chấp nhận đang sống trong cái không gian ít nắng “luôn bị mây phủ mờ đục, quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi”, thứ không khí huyền thoại nhiều hơn thực như cái bản Hua Tát của ông.

Học nhìn mọi thứ không thể đen và trắng, ác hay thiện phân minh rành mạch, học chấp nhận những bài học cơ bản nhất của cuộc sống khắc nghiệt, khi thứ quý giá phải mất cả tính mạng để kiếm tìm nhưng cũng có thể bị cướp mất ở phút chót, như trái tim hổ. Từng dòng chữ của Thiệp đều rõ ràng đến phũ phàng, để đọc và nhớ rằng “đời người cần không biết bao nhiêu là tiền, chết cũng cần”...  

Tôi không thích "Tướng về hưu" bằng các truyện ông viết về Tây Bắc. Có cảm giác "Tướng về hưu" gần với báo chí hơn, cái khác là ông dám viết và viết bằng ngòi bút tả chân lạnh lùng đến thế giữa những tháng năm ấy. Còn Tây Bắc trong Nguyễn Huy Thiệp là điệp trùng các lớp tầng văn hóa, là cuộc sống ngày nay hòa lẫn các lớp huyền tích của thời gian, dịu dàng mờ ảo và đẹp đến nao lòng. Sự mê say với Tây Bắc của cá nhân tôi được nhen bằng những điều hình như chẳng liên quan đến nhau, là phép cộng từ cuốn "Thiên nhiên Việt Nam" của Lê Bá Thảo, đến nửa tá truyện màu sắc kiếm hiệp của Hoàng Ly. Tất nhiên là từ cả những câu chuyện Tây Bắc của Nguyễn Huy Thiệp. 

Tây Bắc được một trong những cây bút truyện ngắn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ XX lọc lại thành những câu - chuyện - phim chi tiết, đầy ắp thơ và nhạc, đẹp đến ám ảnh: "Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”; "Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau mày có trắng thế không?”...

Còn nhớ quãng 1995, mang máy ảnh cùng đồng nghiệp sang sông gặp ông, tôi bất lực khi mất cả buổi và mấy cuộn Kodak, mà không có kiểu chân dung nào đẹp về ông. Có lẽ những gì gai góc, cá tính nhất, Nguyễn Huy Thiệp nhất, ông đã trút hết vào những truyện ngắn, thay vì in hằn trên khuôn mặt. 

Giá sách của tôi bây giờ, có một cuốn rất đẹp in truyện ông, với minh họa của các họa sĩ. Có lẽ con người nhìn đời thực đến phũ như Nguyễn Huy Thiệp lại chỉ có thể khắc họa bằng các nét vẽ, bằng tâm trí, bằng ký ức của thế hệ chuyển tiếp, như chúng tôi.

Kim Trung