Quản lý nhà nước về báo chí

Nhìn nhận báo chí như một lĩnh vực đặc biệt

- Thứ Ba, 08/09/2020, 05:13 - Chia sẻ
Hoạt động báo chí đang phải chịu nhiều áp lực, từ cạnh tranh thông tin đến công nghệ, nhân lực, nguồn thu...; quản lý nhà nước về báo chí có vẻ cũng tụt hậu so với thực tiễn. Vấn đề cần quan tâm ở đây không chỉ ở chỗ tạo cơ chế cho báo chí tồn tại, mà còn phải tạo điều kiện cho báo chí truyền thông phát triển.

Thay đổi và thách thức

“Thay đổi” là từ được nhiều đại biểu nêu ra tại tọa đàm “Một số vấn đề về quản lý nhà nước về báo chí” do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức sáng 7.9, khi nói về đời sống báo chí truyền thông hiện nay. Đó là sự thay đổi về loại hình, nền tảng công nghệ, thông tin, nguồn thu... kéo theo hàng loạt thách thức mới đối với báo chí truyền thông, cũng là thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại tọa đàm.
Ảnh: Thái Minh

Thực tiễn đã xuất hiện những xu hướng báo chí truyền thông mới, như báo chí đa phương tiện; báo chí công nghệ; sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp nội dung xuyên biên giới... Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh dẫn chứng: “Khi tôi tham gia chấm các giải báo chí gần đây, có những tác phẩm không thể xếp vào loại cụ thể nào. Bởi lẽ, những gì chúng ta nhìn nhận được chưa phản ánh đầy đủ bức tranh báo chí truyền thông hiện tại”.

Không phủ nhận nỗ lực của nhiều cơ quan báo chí trong việc chủ động đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các nền tảng truyền thông khác nhau, để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân đối với thông tin, song báo chí truyền thông chính thống vẫn tỏ rõ sự yếu thế so với các loại hình truyền thông mới vốn ngày càng nở rộ. Nếu như cách đây gần chục năm, báo chí và phát thanh, truyền hình là kênh thông tin duy nhất, thì khi internet bùng nổ, truyền thông xã hội ngày càng phổ biến và vượt trội. Một mặt, nó đặt ra vai trò của báo chí trong việc bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, để hạn chế tin giả/sai sự thật/xuyên tạc, mặt khác, nó thách thức báo chí chính thống và quản lý báo chí bằng khả năng lấn át, chi phối, dẫn dắt nhu cầu thông tin, gây suy giảm lòng tin của công chúng vào các kênh thông tin báo chí truyền thông chính thống.

Trước áp lực từ bên ngoài, báo chí cũng đang phải đối mặt với vấn đề của chính mình. Như việc thực hiện chủ trương quy hoạch báo chí. Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhận định, đây là chủ trương cần thiết trong bối cảnh cơ quan báo chí phân bổ dàn trải, thiếu tập trung nguồn lực, nhưng cũng có thể gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho báo chí nếu chủ trương quy hoạch báo chí không hợp lý hay không thực chất và triệt để. “Thực tế có tình trạng bình mới rượu cũ, tức là chuyển thành tạp chí nhưng nội dung vẫn như báo chí. Cũng có địa phương nhập tất cả cơ quan báo chí - truyền thông thành một, tuy nhiên số đơn vị, số ấn phẩm vẫn giữ nguyên... Rồi vấn đề tự chủ tài chính cũng không hề đơn giản, nhất là với các tờ báo phục vụ nhiệm vụ chính trị”.

Quản lý gắn với khuyến khích

Thực chất, những thách thức bên trong đến từ câu chuyện quy hoạch báo chí hay tự chủ tài chính... đều gắn với vấn đề kinh tế báo chí - được nhìn nhận là bài toán vô cùng nan giải hiện nay. “Làm thế nào để sống sót?” - ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê đặt câu hỏi đối với báo chí truyền thông. Kinh nghiệm làm việc với các cơ quan báo chí truyền thông cho ông cái nhìn thực tế: “Doanh thu thực tế của báo chí ngày càng nhỏ lại. Miếng bánh quảng cáo dành cho cơ quan báo chí truyền thông đang rơi vào túi các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Youtube... Nguồn thu từ bạn đọc cũng thu hẹp dần, tiến tới bằng 0. Lượng phát hành ít đi, giá bán báo in thậm chí còn thấp hơn giá thành làm ra nó. Câu chuyện thu tiền của bạn đọc gần như bất khả, vì lượng thông tin miễn phí trên mạng xã hội đã quá nhiều. Vậy phải bật bức tường lửa nào đây để nuôi sống tờ báo của mình, trong một cái khung chật hẹp được cho phép để tồn tại?”.

Có thể thấy, những năm qua, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có sự nhìn nhận cởi mở hơn, song việc ứng xử với cơ quan báo chí với hoạt động dịch vụ giống như doanh nghiệp đang tác động lớn đến sự phát triển của báo chí truyền thông. Đại bộ phận cơ quan báo chí thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp có thu nhưng có những điểm khác biệt so với các đơn vị sự nghiệp thuộc loại hình khác. Đó là việc bù đắp chi phí không thể chỉ dựa vào nguồn thu từ phát hành ấn phẩm mà phải dựa vào những khoản thu từ các dịch vụ khác nhưng vẫn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí Phạm Tuấn Anh, điều này gây khó khăn lớn cho báo chí trong bối cảnh tiến tới tự chủ về tài chính. “Rõ ràng, cơ quan báo chí vừa phải tuân thủ cơ chế của đơn vị hoạt động phục vụ mục đích chính trị, xã hội, nhưng vẫn phải chịu thuế như một doanh nghiệp. Đối với báo điện tử, mức thuế vẫn là 20% như các doanh nghiệp khác, báo giấy thì được ưu tiên hơn với mức thuế 10%”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận báo chí như một lĩnh vực đặc biệt, hoặc được coi là lĩnh vực cần khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa, giống như văn hóa, y tế, giáo dục... Theo lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, điều này có liên quan đến tư duy và tầm nhìn quản lý báo chí: “Cảm giác giờ đây chúng ta quản lý báo chí còn theo tư duy của thế kỷ XX, khi bàn đến cơ chế chủ yếu thắt chặt sao cho bảo đảm an toàn phía mình. Nhưng phải xác định lại rằng, mấu chốt ở đây là cần chuyển từ tư duy dễ quản lý sang tư duy dễ phát triển, từ răn đe sang phục vụ và khuyến khích, có như thế báo chí truyền thông mới phát triển lớn mạnh”.

Thái Minh