Nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 07:06 - Chia sẻ
Hồi đầu năm, khi ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, kịch bản phát triển của nước ta được xây dựng với mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%. Vậy nhưng mục tiêu này đang phải đối diện với rất nhiều thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đợt dịch Covid - 19 lần thứ tư đã lan rộng ở nhiều địa phương với những diễn biến phức tạp...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây thì dự báo, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8%. Nếu dự báo này là đúng, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm không đạt mục tiêu đề ra, cụ thể thấp hơn tới 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I.2021 (tăng 5,92%).

Thực tế, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64%, do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho những tháng cuối năm. Cụ thể kịch bản 1 với mục tiêu tăng trưởng 6% với điều kiện dịch cơ bản khống chế trong tháng 7, không có ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, không bị giãn cách xã hội, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý IV đạt 6,5%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm.

Kịch bản 2 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% thì điều kiện là dịch cơ bản khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch ở khu công nghiệp, ở các tỉnh thành phố, không bị giãn cách xã hội, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7%, cao hơn mục tiêu mà Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra 0,3 điểm phần trăm và quý IV tăng 7,5% trở lên, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với mục tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP.

Như vậy có thể thấy, dù theo kịch bản nào thì thách thức cũng vẫn là chủ yếu. Bởi động lực tăng trưởng kinh tế năm nay của nước ta được xác định là từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Là việc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch...

Vậy nhưng trên thực tế, từ đầu năm đến nay, giá nhiều nguyên nhiên vật liệu tăng khá cao, đặc biệt là hàng hóa đầu vào của sản xuất như xăng dầu, sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương rất "ì ạch", thậm chí chưa có kế hoạch giải ngân. Là việc sản xuất công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19... Những yếu tố bất lợi này đã khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% ngày càng khó khăn hơn.

Cho dù nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm nay với những triển vọng khá lạc quan như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá mức tăng trưởng GDP là 6,6%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán là 6,5%; Ngân hàng UOB cũng đưa ra con số tích cực lên đến 6,7%, cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6 - 6,5% nhưng đây chỉ là dự báo. Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, điều quan trọng là phải vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy ở bất kỳ khâu nào.

Đặc biệt, cần song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc của xuất khẩu vào khu vực FDI, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Và điều quan trọng nữa là cần hoàn thiện tư duy về nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện căn bản khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số...

Ninh Hà