Nhiều ý kiến tán thành tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh mà không cần thí điểm

- Thứ Hai, 09/11/2020, 20:38 - Chia sẻ
Theo chương trình Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Tại đợt 1 của kỳ họp, nội dung này đã được thảo luận tại nghị trường. Theo chương trình nghị sự đợt 2, dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến trước khi xem xét thông qua vào cuối kỳ họp. TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện ngay chính quyền đô thị mà không qua thí điểm để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Nhiều đại biểu đã bày tỏ tán thành với kiến nghị này.

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên ĐBQH Khoá IX, XII, XIII Trần Du Lịch:
Đây là mô hình đã được chứng minh

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đây là vấn đề được nghiên cứu khá lâu, đã làm thí điểm trong 6 năm và có kết quả rất tích cực. Tôi nhớ rằng, khi Quốc hội tổng kết 10 địa phương thí điểm mô hình này trong đó TP Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao về những kết quả đạt được. Có thể nói rằng, tuy thời gian ngắn nhưng không phải ta chỉ làm trong thời gian ngắn mà đã qua quá trình nhiều năm từ phía thành phố nghiên cứu kỹ, tổ chức thí điểm, cùng với sự theo dõi rất kỹ của Chính phủ cũng như Quốc hội các nhiệm kỳ trước. Đây là một việc mà tôi nghĩ rằng là nỗ lực để chúng ta hướng tới mục tiêu là thực hiện cho tốt mô hình tổ chức chính quyền địa phương không phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức quyền địa phương đang có hiệu lực.

Thông thường trước đây, chủ trương của Đảng là vấn đề nào mà thực tiễn đặt ra mà luật pháp chưa có quy định hoặc quy định không phù hợp thì Trung ương cho làm thí điểm để từ thí điểm mô hình, chúng ta có thể luật hóa thành cái mang tính phổ biến. Riêng đối TP Hồ Chí Minh, mô hình này đã làm thí điểm trong 6 năm và có 10 địa phương đã làm rồi, tức là có nghĩa là thực tiễn đã chứng minh là việc này làm đúng. Đây là mô hình đã được chứng minh. Điểm mà tôi nghĩ rằng, nhiều người băn khoăn đó là nếu ở phường, quận mà không tổ chức HĐND thì cơ chế giám sát sẽ ra sao? Chúng ta luôn luôn hướng tới mục tiêu người dân làm chủ nhưng cách làm chủ người dân, cách giám sát người dân thông qua rất nhiều cơ chế, trong đó tăng cường vai trò đại biểu HĐND ở cấp thành phố, các tổ đại biểu thực thi. Thứ hai là vai trò giám sát Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đặc biệt đối với các khu phố ở phường, để phát huy vai trò là tự quản, giám sát của người dân ở các khu phố. Nếu làm tốt được như vậy thì chúng ta tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình đã được thí điểm trước đây. Tôi nghĩ rằng, lần này Quốc hội nên cho làm và luật đã quy định thì cứ nơi nào có điều kiện cho triển khai làm, nơi nào chưa có điều kiện thì tiếp tục chuẩn bị để lâu dài.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà:
Tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với tình hình thực tế

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố, đô thị đặc biệt, một trong hai đô thị lớn của cả nước và đông dân nhất nước và là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và rất nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt là thành phố hàng năm nộp ngân sách về cho Nhà nước là rất lớn. TP Hồ Chí Minh rất rộng lớn, nhiều đơn vị hành chính trực thuộc mà hiện nay, những thứ đơn vị hành chính trực thuộc đó đã mang dáng dấp vẻ đô thị rất lớn. Cho nên việc TP Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức chính quyền đô thị của thành phố là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, phải nói rằng, đối với TP Hồ Chí Minh khác hơn đối với TP Hà Nội và TP Đà Nẵng đó là không tổ chức thí điểm về tổ chức chính quyền đô thị của thành phố mà thực hiện ngay. Theo quan điểm cá nhân, tôi rất thống nhất theo Chính phủ trình, đó sẽ là thông qua Quốc hội theo quy trình là rút gọn, là một kỳ họp và sẽ tổ chức thực hiện ngay và không thực hiện thí điểm, tổ chức ngay chính quyền đô thị của TP Hồ Chí Minh.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐQBQH Thành phố Hồ Chí Minh):
Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước

Vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố cũng cần phải có những mô hình và đặc thù riêng cho thành phố. Theo Hiến pháp, việc tổ chức cấp chính quyền địa phương cũng phải phù hợp với đặc điểm của nông thôn, của đô thị, của hải đảo, của các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi cũng tạo điều kiện để Quốc hội quyết định việc là có hay là không có tổ chức HĐND các đơn vị quận và phường. Cho nên, để việc quản lý tổ chức tại TP Hồ Chí Minh được thuận lợi, nhất là trong việc triển khai các quyết định hành chính một cách nhanh và hiệu quả, thành phố đã trình Quốc hội đề án về tổ chức chính quyền địa phương ở tại đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh và việc tổ chức này sẽ giúp việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, sẽ giúp cho việc tinh gọn, hiệu quả bộ máy hành chính và đặc biệt hơn là vai trò HĐND cũng sẽ được nâng cao trong thời gian tới.

Tôi ủng hộ quan điểm cho triển khai luôn mà không cần phải thí điểm. Trước đây, ở Kỳ họp thứ 8, thứ 9, chúng ta đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội để làm thí điểm cho Hà Nội, thí điểm cho Đà Nẵng việc không tổ chức HĐND quận và phường. Bởi vì khi đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi chưa có hiệu lực, nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đã có hiệu lực và việc tổ chức các cấp chính quyền tại quận và phường thì Quốc hội có thể quyết định là tổ chức có HĐND hay là không có HĐND. Tôi nghĩ rằng, việc mà đã rõ thì chúng ta cho làm ngay và cũng như Kết luận 21 của Bộ Chính trị dành cho TP Hồ Chí Minh thì cũng đã khẳng định rằng, những gì mà đã rõ, những gì mà luật pháp đã có quy định thì có thể áp dụng và cho làm ngay chứ không cần phải thí điểm.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh):
Tăng cường hiệu quả cho công tác dân cử

Tôi hoàn toàn ủng hộ Tờ trình của Chính phủ, cũng như đề xuất của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Sở dĩ như vậy, lý do cơ bản sẽ tăng cường hiệu quả cho công tác dân cử ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ đó, sẽ tăng hiệu quả trong quản lý Nhà nước ở thành phố, giúp cho thành phố phát triển nhanh hơn, phát triển mạnh hơn. Chúng ta thực hiện mô hình này thì hiệu quả đối với việc người dân thực thi quyền dân cử của mình tốt hơn. Với việc chỉ có một cấp HĐND là thành phố, thì ở những nơi không có HĐND phường, quận, người dân được quyền đề xuất, đề nghị báo cáo phản ánh trực tiếp lên HĐND thành phố. Từ HĐND thành phố, nếu việc nào thuộc thành phố, thành phố giải quyết. Nếu việc nào thuộc chính quyền quận, thì HĐND thành phố sẽ chuyển ngay đến quận đó, và nếu có những việc thuộc về cấp phường thì HĐND thành phố có thể gửi thẳng xuống phường. Việc HĐND thành phố thực thi chức năng dân cử đối với các UBND quận, phường mà không có HĐND thì nó cũng là một sức nặng hơn, mạnh mẽ hơn.

Nhật Trường