Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Nhiều sai phạm trong xử lý đất đai

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:04 - Chia sẻ
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước. Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình cổ phần hóa. Chính vì vậy, rất cần đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu quả cổ phần hóa.

Kiểm toán 16 doanh nghiệp, xác định tăng 15.447 tỷ đồng vốn nhà nước

Tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN)" sáng 24.11 tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho biết, tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đặt ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, đến nay mới đạt 28% kế hoạch. Tương tự, theo danh mục được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 doanh nghiệp nhưng cho tới nay mới thoái vốn nhà nước tại 92 doanh nghiệp, đạt 26,4% kế hoạch.

	Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên chủ trì hội thảo
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên chủ trì hội thảo

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên đánh giá, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước không chỉ triển khai còn chậm mà còn có nhiều hạn chế. Cụ thể là quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, sơ hở; trách nhiệm của người quản lý DNNN còn chồng chéo, chưa rõ ràng; khung pháp lý cho các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa chưa được hoàn thiện. Nhiều doanh nghiệp trước và trong quá trình cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch về thông tin, số liệu, đặc biệt là việc xác định chính xác giá trị doanh nghiệp, việc thực hiện mục tiêu phát triển sau cổ phần hóa.

Cũng theo ông Đoàn Xuân Tiên, từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 của 16 doanh nghiệp. Qua đó, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ. Một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất không đúng mục đích. Một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác… Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng hơn 1.576 tỷ đồng.

	Cổ phần hóa DNNN mới đạt 28% kế hoạch
Cổ phần hóa DNNN mới đạt 28% kế hoạch

Rủi ro thất thoát tài sản công ngày càng hiện hữu 

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiến độ cổ phần hóa quá chậm so với kế hoạch chủ yếu do việc chậm sửa đổi quy định về cổ phần hóa, thoái vốn và chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm. Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn đến giữa năm 2020 vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Ví dụ: Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc phải làm việc với 22 đơn vị đang sở hữu gần 250 mảnh đất tại 25 địa phương; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) hiện có 2 đơn vị trực thuộc công ty mẹ, 2 đơn vị sự nghiệp, 3 doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ, 21 đơn vị nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý nhiều đất đai tại các địa phương; VNPT có hàng nghìn mảnh đất trên 63 tỉnh, thành phố; Agribank có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2 trên cả nước, nguồn gốc đất lại đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ…

"Quá trình cổ phần hóa DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước. Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình cổ phần hóa", TS. Vũ Đình Ánh nhận định. Chính vì vậy, rất cần đến vai trò của KTNN trong nâng cao hiệu quả cổ phần hóa. Tuy nhiên đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan kiểm toán, không chỉ thực hiện trước mà còn phải kiểm toán cả sau khi đã cổ phần hóa.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp do KTNN tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá doanh nghiệp, các bất cập trong quá trình cổ phần hóa để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách. Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, đặc biệt là số doanh nghiệp còn lại ở giai đoạn này đa phần có quy mô về tài sản rất lớn, thì rủi ro thất thoát tiền và tài sản nhà nước trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp càng trở nên hiện hữu.

Theo ông Long, KTNN không chỉ chú trọng quá vào kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp mà nên tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình cổ phần hóa. Theo đó, thực hiện kiểm toán theo loại hình kiểm toán hoạt động. Nếu KTNN tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề về cổ phần hóa thì sẽ đánh giá được toàn diện quá trình này và có những đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách về cổ phần hóa.

Lâm Hiển