Nhiều quốc gia lớn cam kết cắt giảm khí thải

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 19:17 - Chia sẻ
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì với sự tham gia của các nguyên thủ từ 40 quốc gia nhằm cố gắng thúc đẩy nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và hướng tới một thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu, Mỹ và nhiều quốc gia lớn đã cam kết tăng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mở đầu Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố mục tiêu của Mỹ là cắt giảm 50-52% lượng khí thải so với mức năm 2005, đồng thời nhấn mạnh, không quốc gia nào có thể tự giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tất cả các quốc gia đặc biệt là các nền kinh tế lớn nhất thế giới, cần phải chung tay hành động. Các quốc gia có hành động và đầu tư nhiều cho người dân và năng lượng sạch sẽ có được nhiều việc làm tốt trong tương lai cũng như giúp nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh và mang lại nhiều tính cạnh tranh.

	Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Việc cắt giảm khí thải của Mỹ dự kiến ​​sẽ đến từ các nhà máy điện, ô tô và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Các mục tiêu theo ngành cụ thể sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Mục tiêu mới của Mỹ tăng gần gấp đôi so với cam kết của cựu Tổng thống Barack Obama về việc cắt giảm 26-28% khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2025.Mỹ hy vọng rằng kế hoạch mới đầy tham vọng của họ sẽ khuyến khích Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác tiến xa hơn trước cuộc họp quan trọng của COP26, tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.

Hồi đầu tuần, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố mục tiêu cao hàng đầu thế giới của nước này là cắt giảm 78% lượng khí thải so với mức của năm 1990 vào năm 2035. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Anh cũng là quốc gia đóng vai trò quan trọng với tư cách là Chủ tịch của COP26 và được giao nhiệm vụ đạt được thỏa thuận ở Glasgow. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã thông báo nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của Nhật Bản từ mức 26% lên 46% vào năm 2030.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nâng mục tiêu của đất nước mình lên mức cắt giảm khí thải từ 30% lên mức 40-45% vào năm 2030, thấp hơn mức năm 2005. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã công bố mục tiêu tham vọng nhất là đất nước sẽ đạt được mức trung lập về khí thải vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu trước đó.

Mặc dù Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo như pin mặt trời và vẫn phải sử dụng một lượng than lớn để phát điện, tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng lượng khí thải carbon của nước này sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Đồng thời quốc gia này sẽ giảm dần việc sử dụng than từ năm 2025 đến năm 2030.

Các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1.5 độ C so với mức tiền công nghiệp, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Như Ý