Đồng Nai phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:40 - Chia sẻ
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã hình thành và phát triển nhiều vùng chuyên canh hàng hóa như vùng lúa chất lượng cao liên kết theo “Cánh đồng lớn”, phát triển vùng cây ăn quả đặc sắn gắn với du lịch sinh thái, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông sản sạch… Các vùng chuyên canh này đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, cung ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đồng Nai phát triển nhiều vùng chuyên canh hàng hóa
Nguồn: ITN

2 cánh đồng lớn, 12 chuỗi liên kết

Theo báo cáo của UBND huyện Trảng Bom, trên địa bàn hiện có 2 cánh đồng lớn và 12 chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Các mô hình này đã tạo được mối liên kết ổn định giữa người sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp thu mua sản phẩm; góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hoàn thiện các hạ tầng cơ sở vùng nông thôn.

Vùng đất khô hạn, cằn cỗi xã An Viễn trước đây là vùng trồng điều lớn của tỉnh. Từ khi triển khai dự án “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao xen điều, vùng đất này đang dần thay đổi, thu nhập của nông dân ngày càng cao. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Viễn Đường Minh Giang cho biết, thực hiện dự án này, huyện đã đầu tư mới 4 tuyến đường giao thông, 2 đường điện trung thế, 5 đường điện hạ thế và 3 trạm biến áp để phục vụ tưới tiêu và vận chuyển nông sản. Ngoài ra, huyện hỗ trợ nông dân 30% kinh phí mua cây giống, 30% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Hiện hợp tác xã đã phát triển được khoảng 500ha ca cao xen điều. Sản phẩm ca cao được Công ty TNHH Bamboo Agriculture ký hợp đồng thu mua với giá 6,2 nghìn đồng/kg. Đối với điều, Hợp tác xã thu mua và ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty ở huyện Long Thành với giá sàn 18 nghìn đồng/kg.

Một dự án liên kết chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp khác cũng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân là xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại các xã Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo…

Ông Ngô Thái Thọ (xã Bàu Hàm) có 3ha bưởi da xanh cho hay, trước khi tham gia dự án, ông sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không có kế hoạch, năng suất đạt cao (25 tấn/ha/năm) nhưng cây suy kiệt, chi phí bỏ ra nhiều. Khi tham gia dự án, ông ưu tiên sử dụng phân hữu cơ (phân bò, phân chim cút), thuốc bảo vệ thực vật sinh học và điều tiết liều lượng dùng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên đạt được cả 3 mục đích: năng suất (25 - 27 tấn/ha/năm), chất lượng (kiểm định không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), lợi nhuận (tăng khoảng 30%). Sản phẩm được thương lái mua tại vườn.

Các chuỗi liên kết khác như chuỗi liên kết ca cao tại xã Trung Hòa của Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa; chuỗi liên kết cây điều tại xã Tây Hòa của Tổ hợp tác điều Tây Hòa; 2 chuỗi liên kết nấm tại xã Sông Trầu cũng thu hút được nhiều nông dân tham gia. Các dự án liên kết chăn nuôi do doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hợp tác với nông dân.

Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái

Hiện diện tích cây ăn quả của tỉnh Đồng Nai với hơn 70.000ha đa dạng về chủng loại, với nhiều cây ăn quả đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, mít... Với những lợi thế trên một số địa phương trong tỉnh đã biết tận dụng thế mạnh để phát triển vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái vườn, trong đó điểm sáng là TP. Long Khánh - địa phương có khoảng 100 hộ dân làm du lịch sinh thái vườn với hơn 200ha trồng xen canh các loại cây ăn quả.

Có thể thấy, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn an toàn là những điều kiện cần thiết để thu hút và giữ chân khách du lịch. Ông Huỳnh Vũ Bảo Giang, chủ vườn Dì Hai là một trong những chủ vườn làm du lịch sinh thái sớm nhất tại TP. Long Khánh chia sẻ, hiện ông đang liên kết với 20 vườn trái cây của các hộ dân khác để đưa khách tới tham quan. Theo ông Giang, trước đây các vườn trái cây của bà con trong vùng đến ngày thu hoạch phải thuê nhân công hái trái và bán với giá rẻ nên lợi nhuận thu về không được bao nhiêu. Từ khi mô hình vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái phát triển, ngày càng nhiều nông dân liên kết với các vườn để kinh doanh du lịch song song với tiêu thụ nông sản.

Tận dụng lợi thế về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua một số doanh nghiệp, hộ dân các nơi trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp. Có thể kể đến vườn trái cây Dì Út (xã Phú Cường huyện Định Quán) là mô hình du lịch cộng đồng liên kết với nông dân và đồng bào dân tộc, các làng nghề thủ công và kết hợp các dịch vụ tại địa phương gồm vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, trồng trọt, chăn nuôi, khu vui chơi cho trẻ em, cắm trại.

Hay trạm dừng chân ca cao Trọng Đức cũng trên địa bàn huyện Định Quán, gắn với tuyến du lịch khu du lịch Suối Mơ - Vườn Quốc Gia Cát Tiên thu hút khách du lịch thông qua trải nghiệm cách trồng và chăm sóc cây ca cao, quy trình sản xuất sô cô la, rượu ca cao, mua sắm các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu ca cao. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến hoạt động du lịch tại Làng bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, trong đó sản phẩm bưởi được chế biến thành những món ẩm thực đặc trưng như gỏi bưởi, gà hấp bưởi, chè bưởi, sinh tố bưởi, mứt bưởi... là những món ăn được nhiều du khách quan tâm khi đến Đồng Nai.

Hoạt động du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp như các mô hình nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, hàng năm đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp, đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giải quyết việc làm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đang triển khai một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển loại hình này để mở rộng quy mô, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương như huyện Vĩnh Cửu gắn với trang trại hươu, nai hay gắn với các vườn trái cây trên địa bàn; huyện Xuân Lộc xây dựng chương trình du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thảo Tâm