Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ:

Nhiều giải pháp cốt lõi, có hệ thống hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế

- Thứ Ba, 04/01/2022, 20:22 - Chia sẻ
Chiều 4.1, tại đầu cầu Cần Thơ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh chủ trì buổi thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Tham dự có các Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ và đại diện các sở ngành của thành phố.

Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết vì đã đặt ra nhiều giải pháp mang tính cốt lõi, có hệ thống nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đào Chí Nghĩa nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết, nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng lao động, tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng, phục hồi và phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Nêu một số vấn đề cụ thể, đại biểu Đào Chí Nghĩa nhất trí với quy định cho phép tăng bội chi ngân sách thông qua giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng đang chịu mức thuế 10%, tuy nhiên đề nghị, quy định rõ đối với các nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không áp dụng chính sách này, vì các mặt hàng này không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Về 2 phương án tính chi phí hỗ trợ phòng, chống dịch khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị nên chọn Phương án 1, nhận khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền và bằng hiện vật nhưng hiện vật này phải là sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra; đồng thời đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về giá nhằm tránh tình trạng đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc quy định chính sách này được thực hiện đến khi nào cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 là chưa phù hợp. Theo đó, đề nghị quy định thời gian cụ thể (có thể giới hạn là 2 năm), và quy định thêm nội dung “căn cứ vào tình hình thực tế" để nếu muốn kéo dài thời gian thực hiện thì Chính phủ quy định kéo dài thời gian là phù hợp.

Về phân bổ nguồn lực hiện đại hóa hệ thống cơ sở y tế, y tế dự phòng (gồm xây mới, cải tạo, nâng cấp, các đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho rằng, thời gian qua hệ thống y tế cở sở, y tế dự phòng chịu sức ép rất lớn, do đó, chính sách này rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất cần quan tâm đến trang thiết bị và con người, hai yếu tố này phải đồng bộ và tương thích thì mới phát huy được vai trò của hệ thống y tế cơ sở. 

Về áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện các đoạn tuyến, dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn. Các đại biểu thống nhất với quan điểm của Ủy ban Kinh tế khi cho rằng quy định này chưa phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước; nếu triển khai sẽ khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, chất lượng cũng như tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tình trạng chênh lệch giá đền bù tại các điểm giáp ranh giữa các địa phương, năng lực quản lý đầu tư đường cao tốc chưa đảm bảo, tiến độ giải ngân đầu tư công trung hạn hầu hết các địa phương đều chậm... Nếu giao địa phương làm chủ đầu tư các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn, các đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ không đảm bảo chất lượng; thống nhất nên giao Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư. 

Vũ Châu