Nhiều dự án không có khối lượng để thanh toán với kho bạc

- Thứ Hai, 14/06/2021, 06:31 - Chia sẻ
Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng qua chỉ đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trở lại cùng với giá vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án. Nhiều dự án thậm chí không có khối lượng nghiệm thu để thanh toán với kho bạc.

21 đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 1%

Báo cáo của Chính phủ cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 đạt 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng giao (461.300 tỷ đồng), giảm so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%).

	Giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung khan hiếm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam Nguồn: ITN
Giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung khan hiếm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam
Nguồn: ITN

Trong đó, vốn trong nước đạt 24,53%, vốn nước ngoài đạt 2,97%. Có 7 cơ quan Trung ương và 21 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Kiểm toán Nhà nước (46,89%), Thái Bình (73,74%), Hưng Yên (47,22%), Nam Định (45,17%), Thanh Hóa (44,39%), Hà Nam (41,46%). Ngược lại, 13 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 8 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Theo lý giải từ Kho bạc Nhà nước KBNN, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa và ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án. Nhiều dự án không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán với KBNN. Cùng với đó, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng tăng giá cao đã ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Giải ngân 5 tháng đạt thấp còn do tháng 1.2021 là thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được phép kéo dài sang năm 2021 với số vốn trên 51.065 tỷ đồng. Tháng 2 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ngoài ra, do nhiều địa phương triển khai phân bổ vốn chậm. Một số dự án khởi công mới chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nên các bộ, ngành, địa phương chưa có cơ sở để triển khai. Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 5 còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được phân bổ chi tiết.  

Bên cạnh đó, KBNN cũng đang gặp một số vướng mắc trong quá trình kiểm soát chi. Cụ thể, Thông tư số 08/2016 của Bộ Tài chính quy định một trong những nguyên tắc kiểm soát thanh toán của KBNN là “lũy kế số vốn thanh toán cho dự án không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao”. Tuy nhiên, theo Nghị định số 11/2020 của Chính phủ, “kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn không phải là hồ sơ tài liệu chủ đầu tư gửi KBNN làm căn cứ kiểm soát chi”. Điều này khiến công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư gặp nhiều trở ngại.

Mặt khác, Thông tư số 108/2016 và Thông tư số 52/2018 của Bộ Tài chính quy định: Các bộ, ngành, địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch vốn chi tiết cho các chủ đầu tư đầy đủ các tiêu chí tại phụ lục số 01 và ghi chi tiết kế hoạch vốn (giao đầu năm, điều chỉnh, kéo dài, ứng trước để thực hiện); đồng thời gửi KBNN nơi mở tài khoản để có căn cứ kiểm soát, thanh toán vốn. Tuy nhiên, trong thực tế, các bộ, ngành, địa phương thường để trống cột chỉ tiêu “kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của từng dự án”. Vì vậy, KBNN gặp vướng mắc vì không đủ căn cứ để kiểm soát chi theo Thông tư 08/2016.

Đề xuất ban hành nghị quyết thúc đẩy giải ngân

Diễn biến giải ngân 5 tháng qua gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải ngân của cả năm và tăng trưởng GDP.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm, KBNN đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương giao nốt kế hoạch vốn năm 2021 còn lại cho các chủ đầu tư trực thuộc; đồng thời nhập dự toán kịp thời lên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để bảo đảm nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án. Các bộ, ngành, địa phương khi phân bổ kế hoạch vốn theo phụ lục 01 tại Thông tư 52/2018 cần điền đầy đủ thông tin vào cột chỉ tiêu kế hoạch vốn trung hạn của từng dự án.

Ngoài ra, KBNN cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, KBNN kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết tương tự Nghị quyết 84/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Trong đó, quy định một số nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để các bộ, ngành, địa phương thực hiện như: Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; đôn đốc thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán gửi cơ quan kiểm soát chi ngay khi có khối lượng phát sinh; rà soát, điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; gắn trách nhiệm với người đứng đầu đơn vị khi để tiến độ giải ngân chậm...

Tiểu Phong