Nhiều điểm mới nhưng cần bảo đảm tính khả thi

- Thứ Bảy, 13/04/2013, 08:29 - Chia sẻ
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị định 117/2009/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định thay thế quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều điểm mới, tiến bộ đã phần nào khắc phục được hạn chế trong việc xác định mức phạt vi phạm. Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia, Dự thảo này còn một số quy định thiếu tính khả thi và chưa phù hợp với thực tiễn.

Nhiều quy định mới...

Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị định này ngày 11.4, các chuyên gia nhận định rằng, dự thảo này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi xác định thêm một số đối tượng cần đưa chế tài xử phạt mà Nghị định 117 đã bỏ lọt. Trên cơ sở của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, dự thảo này đã bổ sung quy định không phạt tiền mà chỉ phạt cảnh cáo đối với trẻ vị thành niên từ 14 đến dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó, một số đối tượng như hành vi xả thải có thông số nguy hại trong nước thải nếu như trước đây không xử phạt được vì thiếu quy định thì nay đã được đề cập tới trong văn bản này.

Một trong những điểm mới đáng lưu ý của Dự thảo này là về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Dự thảo đã đưa ra hai phương án xử phạt đối với tổ chức vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân trong các tổ chức đó. Nếu như phương án thứ nhất căn cứ vào mức độ vi phạm của các cá nhân tham gia trực tiếp thực hiện hành vi thì phương án thứ 2 lại quy trách nhiệm cho người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật và người phụ trách môi trường đồng thời xử lý vi phạm đối với cả tổ chức. Song, phương án quy trách nhiệm cho người tham gia trực tiếp thực hiện hành vi sẽ phù hợp hơn trên thực tiễn, bảo đảm đúng người, đúng tội. Đại diện Vụ pháp luật Hành chính, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, xử phạt theo phương án thứ hai, vừa phạt tổ chức, vừa phạt với cá nhân, chẳng khác nào vi phạm nguyên tắc không xử phạt hai lần đối với cùng một hành vi. Do đó, cần phải cân nhắc để việc xử phạt trên thực tiễn mang tính răn đe nhưng không làm khó doanh nghiệp.

Thời hiệu xử phạt là nội dung mà trong quá trình sửa đổi rất vướng, bởi mỗi nơi xác định thời hiệu đánh giá tác động môi trường một kiểu. Luật Xử lý vi phạm hành chính mới có quy định rất rõ thời hiệu được xác định kể từ thời điểm kết thúc hành vi đó. Đơn cử như báo cáo đánh giá tác động môi trườâng đối với khu công nghiệp và dự án khi cấp phép xây dựng có vi phạm thì thời điểm xử phạt là thời điểm có giấy phép xây dựng. Thực tế cho thấy, thời gian qua rất nhiều địa phương phạt thiếu và phạt tiền sai do đã hết thời hiệu nếu căn cứ vào quy định cũ của pháp luật. Rõ ràng, quy định mới trong Dự thảo này đã góp phần lượng hóa những vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Nếu như trước đây, có 3 hình thức xử phạt trong đó hình thức phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung gồm có tước quyền sử dụng giấy phép và tịch thu tang vật, thứ ba là biện pháp khắc phục hậu quả thì Dự thảo Nghị định mới cũng quy định có 5 hình thức xử phạt nhưng bên cạnh cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật vi phạm còn biện pháp trục xuất. Theo đó, “trong những hình thức này thì cảnh cáo và phạt tiền vẫn là chính còn 3 hình thức sau có thể là chính hoặc phạt bổ sung. Quy định như vậy giúp cho quá trình thực thi được dễ dàng, linh hoạt hơn” – Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường, Bộ TN -MT Lương Duy Hanh nhấn mạnh.

...nhưng chưa khả thi

Mặc dù đã xác định cụ thể các hình thức xử phạt chính nhưng phạt cảnh cáo và phạt tiền trong trường hợp nào lại chưa được quy định rõ ràng. Muốn nâng cao nhận thức của người dân không phải cứ xử phạt cao là phù hợp mà để bảo đảm tính thực thi, cần vận dụng linh hoạt các biện pháp. Thực tế cho thấy, không phải bất cứ người dân nào cũng hiểu rõ quy định của pháp luật đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số do vậy việc áp dụng ngay mức phạt tiền đối với đối tượng này sẽ rất khó khả thi. Bên cạnh đó, quy định về biện pháp khắc phục hậu quả cũng thiếu rõ ràng, đơn cử tại khoản 7 Điều 13, buộc các đối tượng vi phạm phải thực hiện đúng, vận hành đúng quy trình xử lý ô nhiễm môi trường. Không ít chuyên gia đặt câu hỏi: “Buộc thực hiện đúng ở đây là như thế nào? Cần những biện pháp gì để bảo đảm cho hoạt động này?”. Có lẽ, nên quy định xử phạt theo hướng tăng nặng đối với hành vi đã bị đình chỉ mà còn tiếp tục vi phạm. Như vậy sẽ hợp lý hơn.

Quy định nâng mức phạt lên 1 tỷ đối với cá nhân và gấp đôi đối với các tổ chức cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Bởi rõ ràng, đối với các doanh nghiệp lớn việc đưa mức phạt cao như vậy có thể chấp nhận được nhưng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Dự thảo cũng cần cân nhắc sửa đổi mức phạt đối với các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính đơn cử như hành vi không nộp báo cáo phải chịu mức phạt cao. Quy định như vậy sẽ làm khó các doanh nghiệp nhỏ chỉ sai sót về vấn đề thủ tục” – một chuyên gia nhấn mạnh.

Hơn nữa, Điều 10 dự thảo cũng có điểm thiếu hợp lý khi xác định phạt hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nặng hơn so với hành vi không thực hiện các nội dung đã cam kết.

Trong quá trình thực thi, nhiều chuyên gia cho rằng quy định vận chuyển về chất thải nguy hại trong dự thảo này rất khó vận dụng để xử phạt. Đối với hành vi vận chuyển kể cả dự thảo và Nghị định 117 mới chỉ tập trung chủ yếu vào hồ sơ, thủ tục mà ít để ý tới vấn đề định lượng. Xuất phát từ những quy định đó thì hành vi vận chuyển 100 lít dầu thải cũng bằng 10 ngàn lít. “Quy định như vậy chẳng khác nào vận chuyển dầu thải trên 2 ô tô cũng chỉ bằng một xe máy vận chuyển 3 can dầu” – Đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường – tỉnh Thái Nguyên cho ví dụ.

Rõ ràng, việc định lượng đối với chất thải nguy hại đóng vai trò vô cùng quan trọng nếu không xác định cụ thể sẽ rất khó thực thi trên thực tiễn. Điều này vô hình trung sẽ không bảo đảm tính răn đe cho những đối tượng có hành vi vi phạm. Đồng thời, trong quá trình xử lý, các cơ quan có thẩm quyền không biết phải bám vào văn bản nào để xử phạt những hành vi này mà nếu có xử phạt nặng hơn đối với hành vi gây nguy hại lớn thì cũng khó giải thích cặn kẽ, cụ thể.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Môi trường - Bộ Giao thông - Vận tải Trần Ánh Dương, mặc dù dự thảo có bổ sung quy định mới về bảo hiểm bồi thường thiệt hại dân sự nhưng trên thực tiễn có những doanh nghiệp mua bảo hiểm này nhưng mức tổn hại cần bồi thường cho người dân nhiều khi vượt quá quy định đó. Do vậy cần phải quy trách nhiệm bồi thường cho các cơ sở gây thiệt hại về kinh tế cho phù hợp với Điều 13 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Trên cơ sở đó bổ sung Điều 37 quy định rõ đối tượng gây tràn dầu cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho phù hợp với tổn thất gây ra cho người dân.

Đỗ Quyên