Nhiều đề xuất chưa hợp lý

- Thứ Tư, 15/12/2021, 09:13 - Chia sẻ
Góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nhiều doanh nghiệp cho rằng có nhiều quy định can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, lại chưa phân biệt được loại hình doanh nghiệp khi áp dụng các quy định.

Có cần thành lập bộ phận chuyên trách?

Điều 22.3.d Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới cần thành lập bộ phận chuyên trách để xử lý các yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam và người sử dụng tại Việt Nam. Quy định này nhằm yêu cầu các tổ chức nước ngoài phải có động thái nhanh chóng xử lý vi phạm khi nhận được yêu cầu từ phía Việt Nam.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này Dự thảo đã có quy định xử lý vấn đề này. Cụ thể, Dự thảo đã có quy định về thời hạn tiếp nhận và xử lý yêu cầu, đồng thời bổ sung các biện pháp kinh tế – kỹ thuật cần thiết trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ tại Điều 18.1 Dự thảo. Nếu như lại thêm quy định tại Điều 22.3.d thì không chỉ chồng chéo, mà vô hình trung đã can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Bởi khi hoạt động doanh nghiệp sẽ căn cứ theo quy định bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện. Việc yêu cầu thành lập bộ phận chuyên trách có thể hạn chế tính linh hoạt trong vận hành doanh nghiệp và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải thành lập bộ phận chuyên trách để xử lý vi phạm

Nguồn: ITN 

Hơn nữa, tại Điều 22.5.b, Dự thảo quy định các tổ chức cung cấp thông tin xuyên biên giới có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất 24h, livestream vi phạm chậm nhất 3h; các mạng xã hội trong nước thực hiện trách nhiệm tương tự, với thời gian xử lý ngắn hơn. Theo đại diện doanh nghiệp, quy định về thời hạn xử lý thông tin như vậy là chưa phù hợp, có thể tạo nên gánh nặng vận hành cho doanh nghiệp. Thực tế, các thông tin vi phạm điều cấm rất đa dạng với tính chất, mức độ cũng rất khác nhau, trong nhiều trường hợp liên đới đến các bên liên quan.

Ngoài ra, việc Dự thảo bổ sung nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, như tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới; báo cáo cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về nội dung vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… là chưa hợp lý.

Thực tế, việc xác định một nội dung có xâm phạm sở hữu trí tuệ hay không cần được xử lý theo trình tự, thủ tục của Luật Sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp không thể có đủ thông tin và bằng chứng, và cũng không có thẩm quyền xác định ai có quyền trong các trường hợp này.

Bổ sung nhiều trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phát hiện, xử lý vi phạm

Nguồn: ITN 

Cần phân biệt quy mô doanh nghiệp

Điều 31, Dự thảo quy định việc cấp phép với trò chơi điện tử (Giấy phép phát hành với trò chơi điện tử G1, Giấy chứng nhận phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng). Đánh giá các đề xuất này, Đại diện VCCI cho rằng, việc quy định các điều kiện với doanh nghiệp không phù hợp với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Quyết định 1994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26.11.2021. Theo đó, tại Quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra phương án bãi bỏ toàn bộ các thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Hiện, các quy định về điều kiện với doanh nghiệp tại Dự thảo lại có tính chất và nội dung tương tự với các quy định dự kiến được bãi bỏ. Việc này có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm, đơn giản hóa không thực chất mà chỉ chuyển từ giấy phép này sang giấy phép khác. Như vậy, để bảo đảm tính thống nhất, Ban soạn thảo cần rà soát, đối chiếu Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất phương án quản lý hậu kiểm

Nguồn: ITN 

Dự thảo hiện đang quy định tất cả các trò chơi điện tử đều phải thực hiện thủ tục hành chính trước khi phát hành ra thị trường với cơ quan nhà nước. Có một thực tế là bên cạnh những game phát hành thành công, có nhiều người chơi, thì cũng có rất nhiều game nhỏ có lượng người tải thấp, ít có khả năng gây ra tác hại cho xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách quản lý đồng nhất giữa tất cả các trò chơi điện tử dẫn đến thực trạng các game mới phát hành hoặc các nhà phát triển game non trẻ (startup) đang bị quản lý quá chặt, dẫn đến gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, việc quản lý những game nhỏ này có thể thực hiện bằng biện pháp hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện tại, qua đó giảm nhẹ gánh nặng hành chính, giúp sản phẩm thuận tiện trong việc phát hành ra thị trường. Doanh nghiệp, cá nhân phát hành game ra thị trường sẽ có trách nhiệm kiểm soát các nội dung kịch bản game, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính trị, chủ quyền lãnh thổ, do việc vi phạm, dù là nhỏ nhất, sẽ dẫn đến game bị thu hồi và gây thiệt hại doanh thu cho họ.

Chỉ có 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1. Số doanh nghiệp còn lại có giấy phép nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ hoặc trong số này có một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng có giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán để phát hành game không phép (Tổng kết 7 năm thi hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP).

Nguyễn Minh