Công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016 – 2021:

Nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu

- Thứ Năm, 25/03/2021, 10:27 - Chia sẻ
Sáng 25.3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các Báo cáo này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Ngành tòa án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo

Hệ thống TAND đã hoàn thành nhiệm vụ, xét xử đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng Quốc hội giao với chất lượng cao. Tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Các Tòa án đã tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Triển khai mô hình tổ chức Tòa án 4 cấp theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Các Tòa án đã tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. “Phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp được chỉ đạo đổi mới theo hướng công tác xét xử phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng. Hội đồng xét xử thực hiện đầy đủ các quyền năng pháp lý. Các Thẩm phán đã nhận thức sâu sắc hơn tranh tụng là con đường đi đến công lý nên đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chánh án TANDTC về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, ghi nhận tất cả các vấn đề tranh tụng và căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết”, Chánh án TANDTC nhấn mạnh. Những kiến nghị của Tòa án không chỉ khắc phục sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn khắc phục sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô và thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính vì vậy chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên. Qua hoạt động xét xử, đóng góp của Tòa án trong quản lý điều hành đất nước ngày càng thiết thực, rõ ràng.

Tòa án cũng thực hiện đổi mới mô hình phòng xét xử theo hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chánh án TANDTC đã ban hành các Thông tư quy định về phòng xử án và quy chế tổ chức phiên tòa để bố trí lại vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng; xây dựng tiêu chí, yêu cầu cụ thể của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; quy định về việc tổ chức phòng xét xử thân thiện khi xét xử các vụ việc gia đình và người chưa thành niên. Đến nay, mô hình phòng xét xử mới đã được triển khai sâu rộng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Qua đó bảo đảm cho các chủ thể tham gia tố tụng bình đẳng và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo đúng yêu cầu tranh trụng; bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Các Tòa án tổ chức thành công thí điểm đổi mới, hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, đã đề xuất và được Quốc hội chấp thuận xây dựng và ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Triển khai, tổ chức tập huấn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Luật, đưa Luật vào cuộc sống từ ngày 1.1.2021. Đến nay, Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 2.000 Hòa giải viên tại 49 tỉnh, thành. Luật này có hiệu lực sẽ hình thành nên cơ chế mới để giải quyết hòa thuận, hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà không phải xét xử, tiết kiệm nguồn lực xã hội, đem lại lợi ích thực chất cho người dân….

Bên cạnh đó, các Tòa án còn thực hiện công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử. Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án. Chánh án TANDTC nói: “TANDTC đã hướng dẫn thành lập bộ phận hành chính tư pháp tại các Tòa án; đổi mới quy trình, thủ tục xử lý công việc của bộ phận hành chính tư pháp, đảm bảo đơn giản hóa các bước, thủ tục; triển khai “mô hình hành chính tư pháp một cửa” tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận tư pháp; xây dựng các phần mềm ứng dụng trong phân công giải quyết án; phần mềm theo dõi quản lý án”…

Hạn chế đáng kể oan sai, bỏ lọt tội phạm

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Viện trưởng VKSNDTC đã quán triệt toàn ngành phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm; Kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”, đồng thời, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong các lĩnh vực công tác, với nhiều kết quả nổi bật.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo

Điển hình là: Đã chỉ đạo toàn ngành quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các yêu cầu của Đảng, Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Năm 2020, mặc dù Covid - 19 và bão lũ nhưng ngành Kiểm sát vẫn đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu công tác. Trong nhiệm kỳ, các chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng do Quốc hội giao hầu hết đều đạt và vượt, các khâu, các nhiệm vụ công tác đều có chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước.

Chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm so với nhiệm kỳ trước. Trong nhiệm kỳ, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 561.174 nguồn tin về tội phạm; qua kiểm sát đã ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; đồng thời, trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại Cơ quan điều tra;… Đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64%; Viện kiểm sát đã ra quyết định hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật và trực tiếp quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra gần 150 vụ án, tăng 7%;...

Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ 326.795 người; đã trực tiếp lấy lời khai đối với hơn 223.000 người nhằm bảo đảm việc ra các quyết định phê chuẩn có đầy đủ cơ sở, căn cứ pháp lý. Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 418.540 vụ/603.111 bị can; trong quá trình kiểm sát, đã ban hành hơn 300.000 yêu cầu điều tra, tăng gần 70%, trực tiếp hỏi cung gần 200.000 bị can... Đã quyết định không phê chuẩn hàng nghìn lệnh, quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cụ thể gồm: 600 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tăng gần 20%; 800 quyết định gia hạn tạm giữ, tăng gần 70%; 1.300 lệnh tạm giam, tăng gần 40%; 1.100 lệnh bắt bị can để tạm giam, tăng gần 50%. Mặt khác, Viện kiểm sát đã trực tiếp ra quyết định hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam hơn 300 bị can theo đúng các quy định của pháp luật...

Viện trưởng Viện VKSNDTC nhấn mạnh, thông qua công tác kiểm sát, ngành kiểm sát đã góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp oan, sai giảm dần, kết quả công tác đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội…

Viện VKSNDTC còn thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TANDTC, Ban Nội chính Trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bảo đảm việc xử lý, giải quyết các vụ án vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị và nhân văn sâu sắc; đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, kết quả tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng. Kết quả đấu tranh chống tội phạm tham nhũng được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Kiểm sát và Viện trưởng Viện VKSNDTC.

Giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện

Trình bày Báo cáo thẩm tra các Báo cáo của Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng Viện VKSNDTC, TANDTC đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung kết quả công tác của Viện KSND các cấp, TAND các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga Trình bày báo cáo thẩm tra

Ủy ban Tư pháp tán thành với Báo cáo của Viện trưởng Viện KSNDTC về những kết quả đạt được trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Tỷ lệ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được kiểm sát tăng qua các năm, giảm mạnh số lượng tố giác, tin báo quá hạn giải quyết. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản được thực hiện đúng pháp luật. Viện KSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Viện KSNDTC đã tích cực chỉ đạo Viện KSND các cấp thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nhiều yêu cầu của Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của Viện KSND. Số vụ Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn trong đó có nhiều trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, theo Ủy ban Tư pháp, Viện KSND đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa được nâng lên. Số bị can bị Viện Kiểm sát truy tố mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội đã giảm nhiều theo từng năm. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận năm 2019, năm 2020 và tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án chấp nhận trong nhiệm kỳ vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết án tham nhũng đạt cao; tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt; VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới…

Về công tác của ngành tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về xét xử các vụ án hình sự, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Đã căn bản khắc phục được việc để án quá thời hạn, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn. Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác. Qua khảo sát cho thấy, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với TAND cấp huyện ít hơn so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh.

Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự (bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, lao động), Ủy ban Tư pháp nhận thấy, số lượng vụ việc dân sự thụ lý tăng cao so với nhiệm kỳ trước và tính chất ngày càng phức tạp, song tỷ lệ giải quyết án vượt 19,3% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định, đến ngày 30.9.2020, chỉ còn 56 vụ án để quá thời hạn. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Giảm mạnh các bản án tuyên không rõ, khó thi hành; cơ bản làm tốt công tác hòa giải. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số vụ án kinh doanh thương mại, giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp thời gian giải quyết còn dài. Có trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Về công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, TAND các cấp đã khắc phục được nhiều hạn chế của công tác này. Tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt thấp, thì đến năm 2020 đã giải quyết đạt 68,8%, vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Theo Báo cáo, đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Số lượng vụ án phải thụ lý, giải quyết tuy tăng cao, song tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; một số vụ án, Thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương…

Trong phiên họp chiều nay, các báo cáo này sẽ được Quốc hội thảo luận, xem xét tại phiên họp tổ. 

Hoàng Ngọc