Nhiệm vụ hàng đầu

- Thứ Ba, 26/10/2021, 05:41 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 tác động đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hai cách và cả hai đều tiêu cực! Một mặt, dịch bệnh khiến cho quá trình xử lý các khoản nợ xấu cũ trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, dịch bệnh làm phát sinh các khoản nợ xấu mới, do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Vì vậy, nợ xấu gia tăng là điều có thể đoán trước! Theo báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, đến cuối tháng 6.2021, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và chiếm 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư. Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì tỷ lệ này là 7,21% (trong khi cuối năm 2020 là 5,08%).

Rõ ràng, dịch Covid-19 đã và đang đe dọa thành quả xử lý nợ xấu! Sau 5 năm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng cùng với những giải pháp đột phá tại Nghị quyết 42 của Quốc hội, nợ xấu liên tục giảm thì giờ đây đã tăng vọt trở lại (xấp xỉ mức năm 2017) vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Giả sử tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 12% (tính đến hết tháng 9 đã đạt 7,42%), khi đó dư nợ cuối năm có thể đạt gần 10,3 triệu tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu dự báo ở mức 7,21%, con số nợ xấu tuyệt đối sẽ ở mức 742.630 tỷ đồng.

Điều lo ngại là số nợ xấu chưa chắc đã dừng ở đây! Nhiều dữ liệu vĩ mô của nền kinh tế củng cố khả năng nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn còn gia tăng. Đó là số doanh nghiệp rời khỏi thị trường và tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng từ đầu năm đến nay. Các dữ liệu như chỉ số sản xuất công nghiệp hay quản trị nhà mua hàng (PMI) những tháng gần đây cũng cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế đang bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, không ai biết dịch bệnh sẽ còn diễn biến thế nào và ảnh hưởng ra sao tới nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, người lao động trong thời gian tới.

Gánh nặng nợ xấu có thể ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến tiến trình phục hồi kinh tế. Ngoài thiếu nguồn lực lao động, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp chính là dòng tiền để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Vậy nhưng, một khi khoản vay bị xếp vào dạng “xấu”, doanh nghiệp sẽ khó vay thêm nếu không có những chính sách hỗ trợ thiết thực hoặc sự điều chỉnh quy định một cách linh hoạt. Đó là chưa kể, các ngân hàng có thể siết chặt hơn nữa điều kiện cho vay trong một bối cảnh đầy rủi ro như hiện tại. Và tình thế này có thể đẩy doanh nghiệp, vốn đang "thoi thóp" sau 4 làn sóng dịch tới trước cánh cửa giải thể, phá sản.

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần cảnh báo về nguy cơ nợ xấu gia tăng mạnh, nhất là tại các phiên họp của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc tiếp theo của cơ quan điều hành là cần theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm ẩn ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cần tiếp tục được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Làm tốt việc này sẽ giúp củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và hỗ trợ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Hà Lan