Pháp luật về bảo vệ trẻ em của một số nước trên thế giới

Nhật Bản nghiêm cấm mọi hành vi trừng phạt thân thể đối với trẻ em

- Chủ Nhật, 16/01/2022, 07:11 - Chia sẻ
Với việc công bố hướng dẫn về việc nuôi dạy con cái không “roi vọt” vào ngày 20.2.2020, Nhật Bản nghiêm cấm rõ ràng và dứt khoát mọi hành vi trừng phạt thân thể đối với trẻ em. Trước đó, Đạo luật sửa đổi Luật Phòng, chống lạm dụng trẻ em năm 2000 và Luật Phúc lợi trẻ em năm 1947 đã được thông qua vào tháng 6.2019 và có hiệu lực vào ngày 1.4.2020.
	Nguồn Nikkei
Nguồn Nikkei

Đạo luật mới sửa đổi điều 14 của Luật Phòng, chống lạm dụng trẻ em năm 2000. Theo đó, người thực hiện quyền cha mẹ đối với trẻ em không được kỷ luật trẻ em bằng cách dùng nhục hình hoặc bằng các hình thức hành động khác vượt quá phạm vi cần thiết cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ em, đã được quy định tại Điều khoản 820 của Bộ luật Dân sự, và "sẽ xem xét thích đáng việc thực hiện quyền của cha mẹ đối với đứa trẻ một cách thích hợp”.

Luật Phúc lợi trẻ em năm 1947 cũng được sửa đổi để cấm trừng phạt thân thể được thực biện bởi người đứng đầu các trung tâm hướng dẫn trẻ em, người đứng đầu các cơ sở phúc lợi trẻ em và cha mẹ nuôi. Tuy nhiên, đã có một số lo ngại vào thời điểm đó liên quan đến phạm vi của lệnh cấm.

Theo Nghị quyết bổ sung cũng được thông qua vào tháng 6. 2019, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã xây dựng hướng dẫn về phạm vi sửa đổi. Các hướng dẫn được Ủy ban Khuyến khích nuôi dạy con cái mà không có trừng phạt thể xác ban hành vào ngày 20.2.2020. Họ đề cập đến Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, định nghĩa trừng phạt thân thể là hình phạt gây đau đớn hoặc khó chịu ở một mức độ nào đó và nêu rõ rằng các hình phạt làm nhục và hạ nhục khác cũng vi phạm quyền của trẻ em. Ủy ban tuyên bố: “Trừng phạt thân thể là hành động không thể chấp nhận được. Không ai được dùng nhục hình đối với trẻ em, bất kể quyền hạn của cha mẹ”.

Trong các cuộc tranh luận vào tháng 5.2019 về dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống ngược đãi trẻ em năm 2000 và Luật Phúc lợi trẻ em 1947, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Shinzo Abe tuyên bố rằng sẽ không được phép trừng phạt thân thể vào bất kỳ trường hợp nào theo đạo luật sửa đổi. Những tuyên bố này làm rõ điều cấm trong Điều 14  của Luật Phòng, chống ngược đãi trẻ em năm 2000, cung cấp cho trẻ em sự bảo vệ khỏi mọi hình thức trừng phạt về thể xác.

Mặc dù Điều 822 của Bộ luật Dân sự vẫn công nhận quyền “kỷ luật trẻ em” đối với những người có thẩm quyền của cha mẹ, quyền kỷ luật này đã được xem xét lại từ tháng 7.2019 cùng với các vấn đề khác liên quan đến luật gia đình. Điều 822 đã được kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi để phù hợp với việc cấm dùng nhục hình, theo khuyến nghị của Nghị quyết bổ sung năm 2019.

Nghị quyết này tiếp tục cam kết của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của nhục hình cho công chúng và cung cấp thông tin cho phụ huynh cũng hỗ trợ về các phương pháp kỷ luật thay thế. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi kể từ đó đã ban hành một thông báo tới các tỉnh và thành phố của Nhật Bản để thúc giục họ phổ biến rộng rãi hướng dẫn cho các bậc cha mẹ, các tổ chức và công chúng rộng rãi hơn, đồng thời lên kế hoạch cho chiến dịch nâng cao nhận thức.

Nhờ những bước đi quyết đoán, đất nước mặt trời mọc trở thành quốc gia thứ 59 trên toàn thế giới và là quốc gia thứ 3 ở châu Á -Thái Bình Dương ban hành lệnh cấm trừng phạt thân thể trẻ em. Với dân số 19 triệu trẻ em, lệnh cấm ở Nhật Bản đưa dân số trẻ em toàn cầu được pháp luật bảo vệ khỏi trừng phạt thân thể lên 13% (số liệu năm 2019). Như vậy, một lượng lớn trẻ em trên khắp thế giới vẫn đang chờ đợi quyền cơ bản của con người được bảo vệ khỏi hình phạt bạo lực.

Pháp luật về bảo vệ trẻ em ở Nhật Bản được thắt chặt sau khi xảy ra nhiều vụ ngược đãi trẻ em lấy danh nghĩa kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp trẻ em đã tử vong thương tâm. Đạo luật sửa đổi nói trên ra đời nhằm tăng cường quyền lực của các trung tâm phúc lợi trẻ em để bảo đảm nhanh chóng tách trẻ em khỏi cha mẹ bạo hành. Các trường học, hội đồng giáo dục địa phương và cán bộ của các trung tâm phúc lợi trẻ em sẽ có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin vụ việc.

Các trung tâm tham vấn trẻ em địa phương và các đơn vị liên quan cũng được khuyến khích chia sẻ thông tin nhanh chóng để có thể cung cấp hỗ trợ một cách hiệu quả ngay cả khi trẻ chuyển đến một khu vực khác. Việc phối hợp với các trung tâm xử lý bạo lực gia đình cũng được ủy quyền. Ngoài ra, chính quyền các quận và các trung tâm phúc lợi trẻ em được khuyến khích tư vấn cho các bậc cha mẹ có tiền sử lạm dụng trẻ em…

Năm 2018, Nhật Bản chấn động vì vụ bạo hành của cha dượng đối với con riêng của vợ khiến cô bé 5 tuổi Yua Funato tử vong trong đau đớn. Không chỉ bị bỏ đói thời gian dài dẫn đến suy dinh dưỡng nghiêm trọng mà em còn bị đánh đập thường xuyên trước khi chết. Đáng lên án là người mẹ nhẫn tâm làm ngơ để chồng đánh đập con mình. Truyền thông Nhật Bản sau đó tiết lộ cuốn nhật ký mà cô bé từng viết khi còn sống, trong đó có nội dung cầu xin bố mẹ ngừng ngược đãi mình khiến nhiều người cảm thấy vô cùng đau lòng. Tháng 4.2019, cô bé Mia Kurihara, 10 tuổi, cũng bị bố ruột bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm. Theo lời khai của người bố Yuichiro thì hắn đã phạt con gái mình đứng trong nhà vệ sinh, dùng vòi tắm phun nước lạnh lên người rồi sau đó đánh đập và bóp cổ cô bé tội nghiệp. Người đàn ông này đã bị kết án 16 năm tù giam vì tội ngược đãi con.

Linh Anh