“Nhập siêu chỉ mang tính tạm thời!”

- Chủ Nhật, 27/06/2021, 05:51 - Chia sẻ
Từ năm 2012 đến nay nước ta liên tục xuất siêu do vậy nhiều ý kiến lo ngại khi nhập siêu quay trở lại trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, Phó Cục trưởng cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương Trần Thanh Hải khẳng định: thâm hụt thương mại không có gì bất thường vì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu thuộc nhóm nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu.

Nhập siêu cả nông sản

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại 5 tháng đầu năm đảo chiều sau thời gian dài xuất siêu. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhập khẩu tăng mạnh nhất ở các nhóm hàng: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện...

Riêng trong 15 ngày đầu tháng 6, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về nhập siêu với mức 1,35 tỷ USD. Đáng chú ý, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh phần lớn đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với kim ngạch đạt 85,5 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành này lớn nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Hiện tại, dệt may đã có đơn hàng cho đến hết năm 2021 nên nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất tăng mạnh trên 20%, riêng vải may mặc đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%.

Số liệu Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy tình trạng nhập siêu cũng đang xảy ra với ngành nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt 19,57 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, hạt điều là mặt hàng chủ lực của nước ta nhưng cũng đang nhập siêu khá lớn. Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin, trong 4 tháng đầu năm, lượng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến điều tăng 300% về lượng và 323,5% về trị giá so với cùng kỳ của năm 2020. Nếu tiếp tục tình trạng này, dự báo lượng hạt điều nhập khẩu trong năm 2021 gần 2 triệu tấn, thậm chí có thể cao hơn. Ước tính chi phí nhập khẩu điều nguyên liệu trong năm nay có thể lên tới 3,2 - 3,5 tỷ USD, có nguy cơ rơi vào tình thế nhập siêu trong cả năm.

 

Nhập siêu tăng chưa đáng lo - Nguồn: ITN

Chưa đáng lo!          

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, nguyên nhân chủ yếu của nhập siêu là do thiếu các nguồn cung từ công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi nên các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đầu tư. Một nguyên nhân nữa khiến nhập siêu tăng mạnh là giá nhiều mặt hàng chủ lực tăng cao khiến doanh nghiệp có tâm lý tích trữ thêm nguyên liệu đề phòng. “Hiện tượng nhập siêu tăng vọt chỉ mang tính tạm thời, chưa đáng lo. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại". Ông Độ cũng tin Việt Nam sẽ sớm xuất siêu trở lại. 

Theo Phó Cục trưởng cục xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, nhập khẩu tăng lên thậm chí là tín hiệu đáng mừng. Thâm hụt cán cân thương mại không có gì bất thường vì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu thuộc nhóm nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu. Hiện nay, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như điện tử, điện thoại di động, dệt may, da giày... Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đương nhiên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất.

Dù nhập siêu chưa đáng lo song một số chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cũng cần theo dõi tình hình, đặc biệt phải kiểm soát những nhóm hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu để giữ cán cân thương mại lành mạnh. 

Dự báo thêm, Bộ Công thương cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập dễ dàng vào các thị trường đối tác. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu cũng đang phải đối mặt với nhiều rào cản như, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid ở những địa phương xuất khẩu hàng đầu như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…

Để thúc đẩy xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch để có các biện pháp ứng phó kịp thời, cùng với đó củng cố và mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu. Về phía doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng, nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.

Hạnh Nhung