Sổ tay:

Nhanh chóng kết nối

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:17 - Chia sẻ
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia vừa được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị triển khai. Một khối lượng công việc lớn mà các bộ, ngành, địa phương sẽ phải thực hiện trong thời gian tới, để hướng đến Chính phủ số. Để Chính phủ số được vận hành hanh thông, một lần nữa việc chia sẻ dữ liệu, tài nguyên số lại được đặt ra.

Đề án đã xác định lấy Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử làm nền tảng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở này phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Đơn cử, Đề án thực hiện tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Hoặc phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động Công dân số từ VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm...

Có thể mường tượng tất cả mọi giao dịch của công dân, Nhà nước, doanh nghiệp chỉ thực hiện trên nền tảng số. Để thực hiện được điều này trước hết phải thực hiện được danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện. Như vậy, vấn đề cốt lõi là các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để kịp thời chia sẻ. Tuy nhiên, hiện không hiếm cơ sở dữ liệu đang... trên đà xây dựng, hoàn thiện, chuẩn bị chia sẻ.

Đơn cử việc chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giữa Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4.2022); Hay xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành về công tác dân tộc thiểu số hiện mới chỉ dừng lại ở việc đã xây dựng các phương án tuyên truyền, đào tạo cho cán bộ làm công tác hiểu chuyển đổi số là gì… Hoặc hiện phần lớn dữ liệu của ngành giao thông vận tải đều riêng lẻ, chưa được kết nối thành cơ sở dữ liệu dùng chung để khai thác, chia sẻ. Không chỉ dừng lại ở việc các cơ sở dữ liệu chưa được hoàn thành, chậm được chia sẻ mà còn có tình trạng mỗi một địa phương lại ứng dụng một phần mềm khác nhau; địa phương một phần mềm, bộ chủ quản một ứng dụng… (phần mềm kê khai hộ tịch).

Như vậy, bên cạnh việc cần rà soát, đánh giá toàn bộ dịch vụ công đang thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất các phần mềm ứng dụng, kịp thời thay thế những hệ thống không còn phù hợp, không có khả năng kết nối liên thông, thì các bộ, ngành cần bảo đảm đúng tiến độ xây dựng và chia sẻ liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục…

Đình Khoa