Chuyên mục Chọn nhân sự - Lựa nhân tài:

Nhân tài: Câu chuyện còn bỏ ngỏ?

- Thứ Hai, 24/08/2020, 10:31 - Chia sẻ
Xưa nay, nước ta trải mấy nghìn năm, thời nào, triều đại nào cũng cần có người hiền tài giúp dân, giúp nước. Hiền tài là tinh hoa của trời đất, thần thái của dân tộc, khí phách của Tổ quốc. Họ là “hàn thử biểu” về sự thịnh suy của một thời, của một triều chính cũng như của quốc gia xã tắc.

TS Nhị Lê  - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

“Kiến thiết thì phải có nhân tài”

Cách nay hơn 530 năm, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn.

Nói khái lược, rằng nhân tài là ở chính mỗi người, trong khắp mọi người không kể là ai, ở khắp mọi nơi, trên mọi lĩnh vực và thời nào cũng có. Người chưa tài tu dưỡng sẽ thành nhân tài, người tài rèn luyện sẽ thành thiên tài… Đó là nhẽ thường thấy xưa nay. Một quốc gia may mắn là quốc gia có nhiều bậc hiền tài.

TS Nhị Lê

Vua Lê Thánh Tông từng răn bảo Thái tử: Dù là Thiên tử, con trời, đứng đầu trăm họ, có quyền uy tuyệt đối với thần dân, có quyền phong chức tước cho thần linh, các vị vua chúa các triều đại vẫn thấy rằng một mình không thể đảm đương được trọng trách, mà phải dựa vào dân, dựa vào nhân tài của đất nước.

Tròn 75 năm trước, ngày 16.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Nhân tài và kiến quốc”, có câu: Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài. Chỉ ít tháng sau đó, ngày 20.11.1946, trong lá thư Người gửi khắp nước, mong “Tìm người tài đức”, có lời: Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài.            

Lâu rồi, và càng gần nay, bao người cao đàm khoát luận, bao bậc mở cả nghìn lời luận lý về nhân tài; bao cuộc hội thảo nhỏ to mọi cấp, thậm chí tại nghị trường Quốc hội cũng bàn định và kỳ vọng kiến lập một chiến lược về nhân tài quốc gia, với bao cuộc luận tranh nảy lửa...

Từ định hướng, định tính rồi định danh, tới định lượng... Thậm chí mỗi người trưng ra mấy vẻ, trăm người bày cả nghìn ý về nhân tài. Thế mà nay, dường như chỉ thấy còn lại rời rạc những từ chương, mênh mông những đoán định chông chênh, dằng dặc những nhời nhẽ mơ hồ võ đoán, thậm chí cả sự làm đỏm học thuật…

Nhìn khắp, tịnh chửa thấy diện mạo chân nhân tài cho hoàn bị, ngõ hầu đủ để xem rõ gương mặt nhân tài là thế nào, tư chất, khí phách, hành động của nhân tài ra sao… để có định chế mời gọi, kế sách trọng dụng và đối đãi nhân tài sao cho xứng đáng. 

Muôn sự về nhân tài vẫn đang bỏ ngỏ!     

Thiển nghĩ, có thể hình dung và gọi lại thêm lần nữa, rằng nhân tài là người trước nhất nghĩ ra điều chưa ai nghĩ được, nhìn thấy điều chưa ai nhìn thấy, nói những điều không ai có thể nói hoặc dám nói, làm những việc không ai có thể làm được, tổ chức hành động thì không ai có thể sánh bằng. Và, điều quan trọng nhất, khi bình công, lại là người giấu mình, chối bỏ hoặc bất đắc dĩ phải đi sau cùng trong chuyện tôn vinh danh tiếng, càng đi sau cùng trong lúc nhận thưởng hoặc hưởng thụ, thậm chí chối từ hay quyết không nhận sự tấn phong, đối đãi.

Lại thiển nghĩ, rằng nhân tài là người giấu mình, luôn nghĩ trước, nói trước, làm trước, hy sinh trước, quyết không nệ vào danh tiếng hão, càng quyết không mưu cầu và buộc mình vào lợi lộc. Họ sống và hành động, tất cả vì công việc, vì cộng đồng, rộng và cao hơn hết, vì danh dự và lợi ích của quốc gia, xã tắc, sau cùng mới là vì liêm sỉ, phẩm giá cá nhân… Nói như cổ nhân, rằng người nhân tài thường nghiêm trang giữ lập trường mà không tranh với ai, hòa hợp với mọi người mà không gây bè kết đảng với phường nào, tránh xa thói vinh thân phì gia, chẳng tơ màng đuổi theo và làm nô bộc cho thứ danh vị hão.

Khó khăn là trọng dụng nhân tài như thế nào?

Nhưng, nhân tài chân chính thường khuất danh, ẩn tích. Ngọc không bán rao. Vì thế, ông cha ta nối đời quý trọng và đau đáu mời gọi, thiết tha chiêu cầu nhân tài. Truyền thống cầu hiền được để lại có lẽ bắt đầu từ đời Hùng Vương thứ VI sai sứ đi khắp nước cầu người hiền tài ra đánh giặc Ân xâm lược và Thánh Gióng vươn dậy thành người khổng lồ cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đằng ngà đánh tan quân xâm lược. Lịch sử chép rằng, các nhà vua Lý Cao Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Lê Thái Tổ ban “Chiếu cầu hiền” năm Kỷ Dậu 1429 tới Hoàng đế Quang Trung xuống “Chiếu cầu hiền” năm Mậu Thân 1788, và Chủ tịch Hồ Chí Minh như viết “Tìm người tài đức” năm Bính Tuất 1946 có thể xem như bản chiếu cầu hiền cách mạng; rồi các bậc tôn vương khác ở mọi thời: Lý Nhân Tông, Hồ Hán Thương, Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, Minh Mệnh, đều ban “Chiếu cầu ngôn”, chiếu cầu người nói thẳng… Tất cả đều hướng mong đợi nhân tài, cầu người tài giỏi, đạo đức ra giúp nước và trông đợi họ từ trong muôn dân, khắp sơn hà xã tắc và đồng bào ta ở nước ngoài!       

Nhưng, việc khó khăn nhất và tối quan trọng là, trọng dụng và đối đãi với nhân tài như thế nào? 

Dưới góc độ tổ chức xã hội, dưới góc nhìn quốc gia, không thể không cầu mộ, tụ hội và quan trọng nhất ở đây là, trọng dụng nhân tài.

Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung tổng kết: Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết... Hoàng đế Quang Trung viết: "Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình.

Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết...

Tới đây, chợt nhớ một trên tấm bia mộ của một nhà doanh nghiệp nổi tiếng người Mỹ, người ta khắc những dòng thơ (tạm dịch): Nơi đây yên nghỉ một người mà tài nhất là lôi kéo và trọng dụng được những người giỏi hơn mình! Và, những người tài cộng sự với ông ấy thật là may mắn, đáng phải mừng lắm thay! Theo thiển ý, ông ấy là người tài nhất trong những nhân tài thuở ấy. Đáng trọng thay!

Song, được như thế, tới nay rất ít!

Vì, nhìn suốt từ xưa, ở khắp mọi thời, vẫn thấy, bao người phải thân bại danh liệt vì “can tội tài hơn người khác”, “tài càng cao họa càng sâu”; bao bậc anh hùng phải thất cơ lỡ vận, thậm chí phải bỏ mạng bởi những kẻ “dao trong tay áo”, vì “lời xiểm nịnh sắc hơn gươm giáo”; bao trang tuấn kiệt, kinh bang tế thế phải “ngậm oan thế kỷ”, bởi “chữ tài liền với chữ tai một vần”, “quan võ thì ghét quan văn dài quần”, thậm chí cả “chết cho chân lý đến muộn” bởi những “ao tù nước độc”, những kẻ bán buôn quyền lực, khiến cả “giời xanh đổ lệ tiếc thương”!

 Tuy nhiên, tài năng thường dễ vượt ra ngoài khuôn khổ, không chịu trói mình trong vòng cương tỏa, nên trong một xã hội mà tôn ti, trật tự đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, một xã hội cần sự tuân thủ, khuôn phép kiểu phong kiến, tài năng thường khó được chấp nhận. Sự hạn chế đó đã làm cho một lực lượng lớn tài năng bị lãng phí.

 Và, nay, chẳng phải không còn những tệ ấy, thậm chí chúng còn tinh vi, biến ảo hơn nhiều, khiến bao nơi “rối như canh hẹ”, không ít buổi xã tắc chí nguy như “trứng để đầu đẳng”, quốc gia nguy nan, làm lòng người không ít hoang mang, thậm chí nổi giận; vì thế, nhân tài thường lánh thân hoặc bỏ đi… Chẳng thế, Bảng nhãn Lê Quý Đôn dự báo: Có năm nguy cơ sẽ làm mất nước: Một là, trẻ không trọng già; hai là, trò không kính thày; ba là, binh kiêu tướng thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; và năm là, sỹ phu ngoảnh mặt.

Vậy đâu là nguyên do của việc “sỹ phu ngoảnh mặt”?