Chọn nhân sự - Lựa nhân tài:

Nhân tài cần hội đủ 3 tiêu chí: Đức - Tài - Bản lĩnh

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:09 - Chia sẻ
TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII

Lịch sử dân tộc ta đã minh chứng, thời nào hưng thịnh nhất nhờ thời đó tập hợp nhân tài tốt nhất. Dân tộc ta, đất nước ta chưa bao giờ thiếu người tài, chỉ sợ thiếu cách tập hợp người tài. Trong thời đại ngày nay, nhân tài cần hội đủ cả ba tiêu chí: Có đức, có tài và có bản lĩnh.

Đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ

Trong mỗi thời đại khác nhau, nội hàm của các tiêu chí đức và tài cũng có thể khác nhau. Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì đức và tài đều cần và có quan hệ nhân quả với nhau.

Đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đức là mảnh đất màu mỡ, tài là hạt giống tốt. Hạt giống tốt được gieo trên mảnh đất màu mỡ mới phát triển tốt. Người có đức mà không có tài thì dễ trì trệ. Người có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Ở đời, hỗn loạn còn khổ hơn sự trì trệ. Đạo làm người thì phải có đức, làm lãnh đạo thì phải thêm có tài. Cha ông ta đã đúc kết: “Quan đần, dân khổ”. Sẽ rất khó phát hiện ra mô hình nào quan dốt mà dân sướng. Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã xác định 4 tiêu chuẩn để chọn lý trưởng - người đứng đầu làng xã, cấp gần dân nhất, cấp thay mặt vua ứng xử với dân. Trong đó, 2 tiêu chuẩn về tài và 2 tiêu chuẩn về đức là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”.

Trong thời đại ngày nay, nội hàm của người có đức cần 3 tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, người có đạo đức trước hết là người gương mẫu. Cán bộ nêu gương là cách tốt nhất để tập hợp và dẫn dắt cả xã hội tiến bộ. Vì vậy, Trung ương ra Nghị quyết và Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là rất đúng đắn và cần thiết.

Thứ hai, người có đức là người luôn tôn trọng dân chủ. Dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp nhân tài, để đoàn kết và thông thoáng tư tưởng nội bộ.

Thứ ba, người có đức là người có nếp sống văn hóa. Văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Tất cả những người có đạo đức đều thể hiện ra bên ngoài bằng văn hóa. Một người không có văn hóa là vì bên trong họ không có đạo đức…

Nội hàm của người có tài cũng có 3 tiêu chí làm thước đo. Cái tài đầu tiên của người lãnh đạo là phải có tầm nhìn xa trông rộng. Chỗ đang đứng rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng hướng đang đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương điển hình của người lãnh đạo có tầm nhìn. Năm 1945, mặc dù Bác đang nằm trên giường bệnh nhưng Người vẫn nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải quyết tâm giành được độc lập”. Năm 1967, khi đến thăm Bộ Tư Lệnh Phòng không - Không quân, Bác căn dặn: “Mỹ có chịu thua Việt Nam, cũng sẽ thua trên bầu trời Hà Nội”. Bác cũng từng tiên đoán “chậm nhất đến năm 1975 đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà”. Đó là tầm nhìn của Bác. Tất nhiên, mỗi cấp lãnh đạo khác nhau sẽ có tầm nhìn khác nhau, nhưng đã là lãnh đạo thì đều phải có tầm nhìn xa trông rộng.

Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Dubai cũng là một tấm gương về nhà lãnh đạo có tầm nhìn trong việc xây dựng Dubai trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới. Ông có ba câu nói nổi tiếng: “Dầu mỏ là của trời cho, không phải là mãi mãi. Dubai phải biến cái trời cho có giới hạn thành một ngành kinh tế mũi nhọn không có niên hạn” (đó là ngành du lịch); “Chúng ta lấy gì trong lòng đất thì phải trả lại bằng công trình trên mặt đất” và “Chúng ta dùng tiền dầu mỏ trời cho, cộng với trí tuệ của nhân loại để tạo ra những công trình hiện đại nhất của thời đại trên đất Dubai”.

Cái tài thứ hai của người lãnh đạo là tài tập hợp người tài, sử dụng và tôn vinh người tài. Cái tài của người lãnh đạo là biết tập hợp, quy tụ nhân tài để thực thi nhiệm vụ tốt nhất. Tại sao trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ lên chiến khu Việt Bắc đầy gian khổ hy sinh nhưng nhiều nhân tài sống trong nhung lụa ở Paris vẫn về theo Bác lên chiến khu. Ở đây có hai vế quy tụ thành một chủ đề văn hóa lớn: Một là, cán bộ vững tin vào Đức - Tài của Bác Hồ để cống hiến; Hai là, tiêu chuẩn tin dùng cán bộ của Bác Hồ phù hợp với họ là có đức, có tài, thương dân, yêu nước.

 Để chứng minh người có tài phải được đo đếm bằng sản phẩm cụ thể tạo ra trên từng chức danh lãnh đạo. Ví dụ làm Bí thư, Chủ tịch một huyện thì giá trị sản xuất tăng thêm như thế nào, mức tăng thu ngân sách ra sao? Tín nhiệm của cán bộ chủ trì trong lòng dân thấp hay cao? Thực tế, Đảng ta có cán bộ, đi qua khá nhiều chức danh nhưng chưa rõ sản phẩm và thành quả lao động do mình chỉ đạo và tạo ra.

Tại sao cần người tài có bản lĩnh?

Một tiêu chuẩn quan trọng của cán bộ trong thời đại ngày nay là bản lĩnh. Đất nước rất cần người tài có bản lĩnh vì hiện thời, có việc, có nơi, có lúc số người tích cực chưa đủ áp đảo được người tiêu cực. Vì thế, rất cần lãnh đạo có bản lĩnh để thiết lập kỷ cương nhanh nhất, có lợi cho người tích cực, ngăn chặn người tiêu cực; giúp người tốt có chỗ dựa và người xấu không dám lộng hành…

Bản lĩnh của người lãnh đạo cũng thể hiện ở 3 tiêu chí: Dám nghĩ, dám làm, dám nói. Dám nghĩ ra những cách làm mới, để đột phá, tăng tốc, phát triển nhanh phù hợp thời đại Công nghiệp 4.0. Nghĩ ra rồi phải dám làm, dám đưa ý tưởng mới vào cuộc sống và lấy thành quả trong tương lai để chứng minh tài đức của mình qua thực tiễn.

Người lãnh đạo có bản lĩnh cũng là người dám nói để bảo vệ, ủng hộ người tốt, việc tốt; ngăn chặn người xấu, việc xấu; dám nói để đấu tranh xây dựng nội bộ tốt hơn. Thực trạng ngày nay có nhiều cán bộ thấy người tốt không dám bảo vệ, thấy việc xấu không dám nói để ngăn chặn cũng là tiếp tay, dung dưỡng cho cái xấu hình thành và phát triển. Từ thực tế nhiều vụ việc dân đều biết nhưng các cơ quan chuyên môn của Đảng và Nhà nước lại biết chậm. Một số sai phạm ở các doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Các vụ án liên quan tới Vũ “Nhôm”, Út “Trọc”, AVG… nhân dân đã dư âm khá lâu. Những sai phạm đó, nếu được các cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước kiểm tra, thanh tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm thì tổn thất sẽ thấp hơn; không để đến lúc vụ việc vỡ lở, buộc phải xử lý thì thiệt hại quá lớn cả về kinh tế và chính trị. Đây là hậu quả của sự nể nang, né tránh, biểu hiện hữu khuynh trong Đảng.

Tóm lại, nhân tài trong thời đại này phải hội đủ cả ba tiêu chí: Có đức, có tài và có bản lĩnh. Để tập hợp tốt nhân tài, vai trò quan trọng nhất là người đứng đầu. Chỉ có những người đứng đầu có tài mới phát hiện, đào tạo, tập hợp và sử dụng tốt nhân tài. Chỉ những người có tâm mới phát hiện và sử dụng tốt những người có đức. Đó là bài học sáng giá từ thực tiễn mà chúng ta phải quan tâm.

Nhật An ghi