Sổ tay:

Nhân rộng mô hình Hội đồng trẻ em

- Thứ Năm, 18/02/2021, 06:22 - Chia sẻ
Thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020”; đồng thời thúc đẩy quá trình thực hiện Luật Trẻ em cũng như phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em, Trung ương Đoàn đã xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em”. Sau 3 năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu tại Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, đến nay cả nước đã xây dựng được 14 mô hình trẻ em cấp tỉnh và 17 mô hình trẻ em cấp huyện.

Hội đồng trẻ em là một hình thức tổ chức do chính trẻ em trực tiếp điều hành nhằm nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật; môi trường để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất thiết thực của thiếu nhi trong việc học tập, vui chơi, giải trí. Đây cũng là kênh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của thiếu nhi về những vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Qua đó, tạo sự quan tâm, hỗ trợ và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc hiện thực hóa các quyền của trẻ em. Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga đánh giá: “Có thể nói, trong thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1235 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của mô hình Hội đồng trẻ em vượt hơn cả mong đợi.”

Có thể thấy được điều này qua hoạt động của Hội đồng trẻ em ở các tỉnh, thành phố. Đơn cử, Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái là 1 trong 5 Hội đồng trẻ em được tổ chức thí điểm trên toàn quốc (tháng 7.2017) với 30 thành viên, đại diện cho thiếu nhi của 9 huyện, thị, thành phố. Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện các hoạt động như tổ chức được trên 300 hoạt động lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở với trên 1.000 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em và gần 500 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa cấp ủy với thiếu nhi, diễn đàn trẻ em, hội nghị xin ý kiến trẻ em tại các Liên đội trên toàn tỉnh đã thu hút hàng nghìn thiếu nhi tham gia như Diễn đàn trẻ em tại xã Thanh Lương huyện Văn Chấn; xã Phúc Lợi, Động Quan, Khánh Thiện huyện Lục Yên… với nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị và các giải pháp của trẻ em xuất phát từ cuộc sống học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí và các vấn đề trẻ em quan tâm.

Hay, Đồng Nai là tỉnh thứ 14 trong cả nước thành lập Hội đồng Trẻ em cấp tỉnh với sự tham gia của 47 thành viên có độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi, là các em học sinh tiêu biểu xuất sắc đại diện cho hơn 449.473 học sinh, thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Tuy mới hoạt động, nhưng Hội đồng này  đã tổ chức Kỳ họp Hội đồng Trẻ em tỉnh Đồng Nai lần thứ I vào năm 2020, thu thập được 54 lượt ý kiến thảo luận, đề xuất xoay quanh các vấn đề chính như các hoạt động hè cho trẻ em, các hoạt động trọng tâm cần thiết trong công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh; thực trạng và các giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em; an toàn trên không gian mạng cho trẻ em;…

Có thể thấy, Hội đồng trẻ em không chỉ là nơi để các em được gửi ý kiến, đề xuất, mong muốn đến các sở, ngành liên quan; mà còn là diễn đàn tạo điều kiện cho các em mạnh dạn, tự tin hơn khi thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động cũng cho thấy, Đoàn - Đội - Hội cần chú trọng việc tổng hợp, xử lý các kiến nghị của các em sau kỳ họp; thực hiện việc đôn đốc các phản hồi, trả lời của các cơ quan chức năng đối với những ý kiến của các em...; đồng thời từ kết quả thí điểm, sớm nhân rộng cách làm hay trên toàn quốc.

Đình Khoa