Nhân lực ngành logistics phải thích ứng với rủi ro

- Thứ Năm, 26/08/2021, 03:49 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và sẽ tác động tới việc hiện thực hóa các mục tiêu của ngành dịch vụ hậu cần (logistics) vào năm 2025. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics cũng như nền kinh tế, trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định.
Nguồn nhân lực logistics phải thích ứng với biến động, rủi ro để tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp
Nguồn: ITN

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 5 - 6% vào GDP, tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%, chi phí giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp, dịch Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và sẽ tác động tới việc hiện thực hóa các mục tiêu kể trên. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics và nền kinh tế. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định.

Tại hội thảo quốc tế trực tuyến với chủ đề “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) tổ chức sáng qua, Viện trưởng VLI Hồ Thị Thu Hòa cho biết, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp, tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh (chiếm 54%). Trong bối cảnh dịch Covid-19, hơn 88% doanh nghiệp áp dụng làm việc từ xa đối với khối văn phòng; 63% áp dụng “3 tại chỗ”; gần 40% doanh nghiệp đào tạo nhân sự đa nhiệm (làm nhiều việc)…

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp trong ngành quan tâm. Tuy vậy, hơn 44% doanh nghiệp cho rằng nhân lực hạn chế là một trong những rào cản trong chuyển đổi số, cùng với lo ngại về tính an toàn, khả năng bảo mật thông tin của phần mềm; sự tương thích giữa doanh nghiệp của mình với đối tác trong chuỗi…

Cũng theo bà Hòa, mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh song nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp logistics vẫn rất lớn. Kết quả khảo sát do VLA và VLI thực hiện trong tháng 7 vừa qua cho thấy, có khoảng 35% doanh nghiệp cho biết cần tuyển dụng trên 10 người trong vòng 1 năm tới. Dự báo đến năm 2030, các doanh nghiệp cần tuyển dụng khoảng 200.000 nhân lực có chuyên môn chuyên sâu và khoảng 1 triệu nhân lực bao gồm cho lĩnh vực sản xuất. Điều này đặt ra yêu cầu lớn cho các cơ sở đào tạo, khi hiện cả nước có khoảng 60 trường cao đẳng, đại học đào tạo các ngành liên quan logistics với trên 10.000 sinh viên/năm.

Chú trọng liên kết “3 nhà”

Theo các chuyên gia, đào tạo nhân lực cho ngành logistics tới đây cần hướng đến việc bảo đảm thích ứng với các biến động, rủi ro và phải coi đây là yêu cầu tiên quyết. Muốn vậy, trước tiên, các cơ sở đào tạo cần phát triển các nhóm kỹ năng cần thiết cho nhân lực logistics, gồm tập trung đào tạo kiến thức nền tảng, kỹ năng phát triển năng lực và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến; đào tạo về quản trị rủi ro; chú trọng đào tạo kỹ năng số…

Bên cạnh đó, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đòi hỏi phải hoàn thiện bộ chuẩn nghề; nâng cao chất lượng giảng viên; trang bị kỹ năng sử dụng phần mềm nghiệp vụ cơ bản cho học viên; đa dạng các khóa tham quan, đào tạo thực tế tại doanh nghiệp. Đồng thời, cần chú trọng mối liên kết “3 nhà” gồm Nhà nước - nhà trường và nhà doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần phát triển mối quan hệ hợp tác chính thống; doanh nghiệp cam kết hỗ trợ thực tập và việc làm cho sinh viên. Về phía Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động đang làm tại doanh nghiệp; khuyến khích giảng viên tham gia quá trình thực tế tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng cần đóng vai trò chủ động, tích cực trong đào tạo nhân sự. Dẫn thực tế nhu cầu tuyển dụng trong 2 năm tới vào khoảng 1.000 người, Giám đốc nhân sự Công ty CP Gemadept Tăng Thị Phương Anh cho rằng nếu không chủ động từ bây giờ sẽ khó đáp ứng nhu cầu. Do vậy, doanh nghiệp này đã tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Tạo nguồn tuyển dụng (làm việc với 10 trường đại học trên cả nước để tìm kiếm sinh viên, đẩy mạnh truyền thông về doanh nghiệp); tiếp tục đào tạo và phát triển đội ngũ; tăng cường sự gắn bó của đội ngũ nhân sự thông qua chế độ chính sách, chăm lo sức khỏe tinh thần, phát triển môi trường văn hóa của doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa năng suất lao động.

Rõ ràng, để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thích ứng với biến động, rủi ro và chuyển đổi số, doanh nghiệp logistics không thể chỉ trông chờ vào cơ sở đào tạo! Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược, mục tiêu, lộ trình chuyển đổi số phù hợp, nếu không sẽ khó thành công bởi mỗi doanh nghiệp có quy mô, năng lực khác nhau.

Minh Châu