Thảo luận tại tổ về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021

Nhân dân cả nước luôn hướng về Quốc hội

- Thứ Năm, 25/03/2021, 19:09 - Chia sẻ
Chiều nay, 25.3, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch Nước, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước... Cơ bản thống nhất cao với các Báo cáo, các đại biểu khẳng định, trong suốt nhiệm kỳ qua, dù trải qua nhiều sóng gió nhưng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của bộ máy Nhà nước, “con tàu Việt Nam” đã vượt qua khó khăn, thách thức, thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển KT – XH, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của Nhân dân.

Sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

Nhiều đại biểu đánh giá cao Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện. Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Quốc hội đã thông qua 72 luật (chưa bao gồm dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một), 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Các ý kiến đóng góp xây dựng luật rất sôi nổi, mang tính phản biện cao.

Họp tổ Hà Nội
Họp tổ Đoàn ĐBQH Hà Nội

Trong lĩnh vực giám sát, đại biểu Trần Thị Hằng đánh giá, Quốc hội đã chọn đúng, trúng những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Một số chuyên đề giám sát thu hút sự chú ý của dư luận như giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy... Cách thức tổ chức giám sát ngày càng được cải tiến, bài bản và chuyên nghiệp hơn, có báo cáo bằng hình thức trình chiếu video clip ngay tại diễn đàn Quốc hội, rất sinh động, đồng thời cũng minh họa rõ hơn cho các Báo cáo giám sát được trình bày trên nghị trường.  

Chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã giúp tăng số lượng câu hỏi chất vấn; buộc người trả lời chất vấn phải trả lời trực tiếp, đúng trọng tâm câu hỏi thay vì vòng vèo, né tránh. Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri, đại biểu Trần Thị Hằng chia sẻ, cử tri đều đánh giá cao thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc “đi đến cùng” vấn đề được giám sát.

Nguyen Van Canh - Binh Dinh
Họp tổ Đoàn ĐBQH Bình Định

Quốc hội đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Trong thành công của Quốc hội có sự đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vai trò của các Đoàn Đại biểu Quốc hội và gần 500 đại biểu Quốc hội. Đại biểu Trần Thị Hằng nêu rõ, phát huy kinh nghiệm trong suốt 75 năm hoạt động, Quốc hội đã thực sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng tốt mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó, các Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng có sự đổi mới hoạt động cho phù hợp hơn với thực tiễn đời sống đang ngày càng biến chuyển, vận động. Đơn cử như, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hơn 40 hội nghị và hàng trăm cuộc họp để lấy ý kiến các cơ quan chức năng, nhà khoa học, các chuyên gia để tham vấn ý kiến, làm cơ sở để các đại biểu Quốc hội xây dựng bài phát biểu góp ý kiến tại các Kỳ họp.

Trong hoạt động giám sát, ngoài chuyên đề giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức các chuyên đề giám sát riêng tại địa phương, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cử tri địa phương. Hay tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thông tin thêm, Đoàn đã thực hiện tái giám sát, trung bình 3 tháng kiểm tra lại việc thực hiện các kiến nghị giám sát, nếu không hoàn thành lại tiếp tục kiến nghị. Đối với việc trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri, khi có văn bản trả lời của các cơ quan địa phương, cơ quan trực thuộc Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều đề nghị cho đăng tải thông tin trên báo địa phương, rất công khai và minh bạch. Trong bối cảnh đại dịch Covid–19, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc còn tổ chức tiếp xúc cử tri thông qua các phương tiên thông tin đại chúng…

Do Thi Thu Hang - Dong Nai
Họp tổ Đoàn ĐBQH Đồng Nai

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu rõ những ấn tượng về lần đầu tiên được trải nghiệm trong nhiệm kỳ Khóa XIV, đó là sự cải tiến trong ứng dụng công nghệ thông tin, mọi tài liệu đều được thu gọn trong một chiếc Ipad. Hay để thích ứng trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, Quốc hội đã tiến hành họp theo hai hình thức: họp tập trung và họp trực tuyến. Điểm nhấn nữa là Quốc hội đã chuyển từ hình thức Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Phấn khởi với những kết quả đạt được, đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) khẳng định, mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào vì đã góp phần vào sự đổi mới, quyết liệt trong hoạt động của Quốc hội, tạo niềm tin cho cán bộ, Nhân dân cả nước hướng về Quốc hội, dõi theo Quốc hội.

Quyết liệt xử lý tình trạng không thực hiện kiến nghị kiểm toán

Nêu đánh giá về công tác của Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu khẳng định, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về phẩm chất liêm chính, bản lĩnh, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. 

Đoàn ĐB Nghệ An
Họp tổ Đoàn ĐBQH Nghệ An

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Đặng Dũng lưu ý, trong công tác kiểm tra tài chính công, tài sản công, KTNN còn chậm trễ trong việc kiểm tra tài chính công, tài sản công của các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành. Bên cạnh đó, KTNN cần làm rõ, khi phát hiện sai phạm trong kiểm toán, KTNN đã chuyển sang cơ quan điều tra, xét xử bao nhiêu vụ việc; chủ động chuyển sang hay cơ quan điều tra đề nghị phối hợp mới chuyển sang, qua đó sẽ thấy được tính trách nhiệm, tính chiến đấu của các kiểm toán viên như thế nào.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng cũng cho rằng, đối với những kết luận, kiến nghị của KTNN trong thời gian dài không được triển khai thực hiện, KTNN cần quyết liệt hơn trong việc xử lý, không để tình trạng “treo” kéo dài. Nếu kết luận kiểm toán chưa đúng, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa, nếu đúng phải kiên quyết xử lý dứt điểm.

Hoàng Ngọc