Tản mạn

Nhân ảnh

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 07:07 - Chia sẻ
Chúng ta đang nhìn vào điện thoại và màn hình máy tính nhiều hơn bao giờ hết.

Hôm qua, tôi đọc một bài phỏng vấn rất hay của Han Byung-chul, một triết gia người Đức gốc Hàn Quốc. Ông nói thế giới mà chúng ta đang sống đang bị kiệt sức. Và mỗi tế bào của thế giới ấy, tức chúng ta, đang kiệt sức với chính mình.

Khi làm "Black Mirror", có lẽ các nhà làm phim không ngờ viễn cảnh ấy lại đến nhanh đến như vậy. Chúng ta đang nhìn vào điện thoại và màn hình máy tính nhiều hơn bao giờ hết. Cậu bạn tôi đã phải cài một cái app vào điện thoại để Facebook của anh không hiện newsfeed lên nữa, để tránh cảnh dùng ngón tay trái cuộn mãi, cuộn mãi và nhìn thấy hàng giờ đồng hồ đã trôi qua. 

Những cuộc họp ở Zoom biến ta thành zombie. Ta phải nhìn vào mắt người đối điện qua màn ảnh và không may, phải nhìn thấy chính ta. Để rồi khi tắt máy đi, tất cả những gì ta thấy là nhân ảnh của mình qua tấm gương đen. Vì nhu cầu được thấy mình khác đi nên mấy tháng qua, trào lưu FaceApp nở rộ. Ta tò mò xem mình già đi như thế nào, khi thành con gái sẽ ra sao, có râu ổn hơn không và hạnh phúc khi thấy mình hóa thân thành các nhân vật nổi tiếng trong các bộ phim điện ảnh.

Nguồn: ITN

Việc lên mạng nhiều hơn càng biến chúng ta thành sản phẩm. Ta bóc lột chính mình, dâng hiến mọi thông tin cá nhân cho Big Data thao túng. Ta mua gì, tìm gì, xem gì, chat với ai, nói chuyện về vấn đề gì. Tất cả tạo nên một cơn trầm cảm khổng lồ mà chỉ cần một mồi lửa sẽ thiêu rụi tất cả. 

Han Byung-chul nói: Covid-19 chỉ rõ vấn đề mà loài người đang đối diện, chứ nó không thay đổi gì cả. Không có nó, ta vẫn rơi vào vực thẳm ấy như thường, dù có thể chậm hơn một chút. Ông nói: “Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ có vaccine để đánh bại virus. Song sẽ chẳng có vaccine nào chống lại được đại dịch trầm cảm”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn khác, Han kể một câu chuyện thật hay về chàng thủy thủ Sinbad. Hôm ấy Sinbad và các bạn được mời lên một hòn đảo tuyệt đẹp để vui chơi, sau thời gian rã rời trên biển. Mọi người vui lắm, hạnh phúc như chưa từng. Rồi họ cùng nhau đốt lửa. Và tai ương ập đến. Vì thứ tưởng là hòn đảo kia thực ra là lưng của một con cá đã ngủ vùi từ rất lâu. Cát biển trên lưng nó trôi đi và cây cối dần có thể mọc lên đó được. Nhưng ngọn lửa của Sinbad đã làm con cá thức giấc. Nó chìm xuống và tất nhiên, tất cả mọi người cũng chìm xuống biển.

Một câu chuyện ngụ ngôn quá hay. Bi kịch của loài người xuất hiện có khi từ lúc họ tìm ra lửa. Nó mở ra văn minh nhưng cũng đánh dấu một sự diệt vong. Vì vài triệu năm chỉ là cái chớp mắt của vũ trụ mà thôi.

Han viết: Những nhà thần học đã nhường chỗ cho những nhà virus học. Cách duy nhất để ta nhẹ nhàng bước qua cuộc tồn vong này là phải yêu nhau. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: Thế giới không cần thêm những nhà thông thái, nó chỉ cần thêm những kẻ biết yêu.

Trần Minh