Nhắc nợ… báo cáo

- Thứ Sáu, 04/06/2021, 08:52 - Chia sẻ
Theo Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến quý I.2022: Bộ này sẽ tổ chức tổng kết; xây dựng hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi và trình Chính phủ; dự kiến quý IV.2022 - quý II.2023 Chính phủ trình Quốc hội.

Để thực hiện Kế hoạch này, từ đầu tháng 5.2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai, gửi báo cáo tổng kết về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành trước 15.5.2021; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành trước 30.6.2021.

Việc tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các nội dung như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành...

Vậy nhưng đến nay mới chỉ có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Báo cáo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Kế hoạch tổng kết Luật Đất đai. Đối với các địa phương, tính đến thời điểm này Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mới nhận được báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai của 22/63 tỉnh, thành phố.

Việc các bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo tổng kết thi hành sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với một loạt các công việc cần hoàn thành để kịp đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo Kế hoạch trên thì một loạt các công việc chỉ có thể tiến hành khi có tổng kết thực tiễn áp dụng, vướng mắc từ các bộ, ngành địa phương như Xây dựng cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu để tổ chức xây dựng nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Tổng hợp các nội dung đề xuất sửa đổi Luật Đất đai; Xây dựng Đề cương chi tiết dự thảo Luật; Xây dựng các nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Xây dựng báo cáo đánh giá tác động, báo cáo đánh giá thủ tục hành chính, báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Xây dựng Tờ trình dự án Luật; Tổ chức lấy ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)…

Điều đáng nói, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cũng được tiến hành trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện rà soát văn bản vướng mắc, mâu thuẫn. Hiện, trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, phân loại, theo đó tổng số văn bản được đề xuất, kiến nghị là 435 văn bản, bao gồm: 84 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 192 nghị định, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 137 văn bản do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Chính vì thế, khối lượng công việc càng lớn hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai; phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập tại văn bản này theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phạm Hải