Nguyên tắc hướng dẫn

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 05:44 - Chia sẻ
Một số nguyên tắc hướng dẫn thực hiện pháp luật về hợp đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được ghi nhận rõ ràng trong hai văn bản tư pháp của TANDTC Trung Quốc ban hành: Hướng dẫn số 1 ngày 16.4.2020 và Hướng dẫn số 2 ngày 15.5.2020, được nhắc lại trong hầu hết các văn bản tư pháp của các Tòa án Nhân dân cấp thấp hơn.
Các dịch vụ du lịch bị hủy bỏ do dịch Covid-19
Nguồn: ITN

Ưu tiên hòa giải

Thứ nhất, các phương thức giải quyết tranh chấp sẽ được áp dụng theo thứ tự ưu tiên và hòa giải là phương pháp được ưu tiên trong các vụ kiện Covid-19. Hòa giải, đặc biệt là hòa giải tư pháp (hoặc hòa giải bởi tòa án), ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của tố tụng dân sự ở Trung Quốc và thường xuyên, nếu không muốn nói là luôn được áp dụng trong các vụ án dân sự hoặc thương mại. Một tài liệu tư pháp thậm chí còn đi xa đến mức tuyên bố rằng: Tòa án chỉ nên sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng trên cơ sở học thuyết về sự thay đổi hoàn cảnh khi hòa giải không thành công. Tính tối cao của hòa giải như một phương tiện giải quyết các tranh chấp Covid-19 được khẳng định từ thực tế là: Hầu hết các vụ tranh chấp dân sự hoặc thương mại liên quan đến đại dịch trong loạt vụ việc điển hình đầu tiên do TANDTC công bố đều được giải quyết thông qua hòa giải.

Ưu tiên thực hiện hợp đồng

Thứ hai, quy định trong các văn bản tư pháp phản ánh một nguyên tắc bao quát rằng, khi áp dụng các quy tắc liên quan, tòa án nên áp dụng cách tiếp cận có lợi cho việc thực hiện hợp đồng. Như vậy, lần đầu tiên TANDTC đưa ra quy định rõ ràng rằng không được phép chấm dứt hợp đồng chỉ vì khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng. Thay vào đó, đàm phán lại và hòa giải được thúc đẩy để tạo điều kiện cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hơn nữa, việc sửa đổi hợp đồng được ưu tiên hơn so với việc chấm dứt hợp đồng, và cần tránh tối đa việc sửa đổi hợp đồng. Đàm phán lại hợp đồng là một cách phản ứng được quốc tế công nhận trong trường hợp nảy sinh những khó khăn do một sự kiện bất ngờ hoặc bất khả kháng gây ra. Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý của nó sẽ phụ thuộc vào việc liệu yếu tố “thiện chí” của các bên có được xây dựng trong quá trình đàm phán lại hay không và thiện chí đến mức độ nào.

Khuyến khích chia sẻ thiệt hại

Thứ ba, có một đặc điểm khác biệt, nhưng còn gây tranh cãi, trong thực tiễn tư pháp ở Trung Quốc là các tòa án thường yêu cầu các bên tham gia hợp đồng chia sẻ thiệt hại. Cách tiếp cận này có vẻ đặc biệt phù hợp trong bối cảnh của đại dịch hiện nay. Theo đó, các tòa án phân bổ các tổn thất do “một sự kiện bất khả kháng” gây ra theo nguyên tắc công bằng, bằng cách tính đến nhiều yếu tố bao gồm cả lỗi tương ứng của các bên. Một số tòa án đề xuất thêm rằng việc phân bổ tổn thất chỉ có thể thực hiện được khi các bên không cung cấp trong hợp đồng hoặc thương lượng lại cách phân bổ tổn thất. Mặc dù được ủng hộ trong các văn bản tư pháp, nhưng cách tiếp cận này vẫn còn gây tranh cãi bởi thách thức chính đối với cách tiếp cận này là các tiêu chí chính xác để các tòa án phân bổ thiệt hại vẫn còn mù mờ.

Ưu tiên bảo vệ đặc biệt đối với bên bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Thứ tư, hướng dẫn của TANDTC đưa ra sự bảo vệ đặc biệt đối với các bên bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch, chẳng hạn như nhân viên và người tiêu dùng. Nhiều điều khoản liên quan đến hợp đồng lao động (việc làm) và hợp đồng tiêu dùng được áp dụng chính sách bảo vệ này. Sự hiện diện của các điều khoản này cho thấy rằng trong một số lĩnh vực nhất định, các giá trị mà luật hợp đồng theo đuổi (chẳng hạn như thiên vị đối với việc thực hiện hợp đồng) cần được cân bằng với các chính sách công.

Quỳnh Vũ