Tái bùng phát Covid-19 ở châu Âu

Nguy cơ suy thoái kép

- Thứ Ba, 20/10/2020, 06:40 - Chia sẻ
Các nhà kinh tế cảnh báo tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng trở lại trong một làn sóng mới đang cản trở đà phục hồi gần đây ở châu Âu. Điều đó khiến cho nền kinh tế châu lục trượt dài theo hướng suy thoái kép vì các chính phủ lại buộc phải đưa ra biện pháp hạn chế đi lại mới.

Bi quan trở lại 

Financial Times cho biết, tuần qua, Đức, Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan đều đã công bố các biện pháp để ngăn chặn đà lây nhiễm Covid-19 mà các nhà chức trách dự đoán sẽ tăng mạnh thời gian tới khi mùa đông đến gần.

Hôm Chủ nhật, Bỉ thông báo đóng cửa tất cả quán bar và quán cà phê trong 4 tuần, trong khi Thụy Sĩ mở rộng quy định đeo khẩu trang. Ở Pháp, lệnh giới nghiêm đã có hiệu lực từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng ở Paris và các thành phố khác từ thứ Bảy tuần trước. Các biện pháp này được nhanh chóng áp dụng khi số ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh mẽ ở một số quốc gia châu Âu.

Nguồn: AFP

Bà Katharina Utermöhl, nhà kinh tế cấp cao tại Allianz - một trong những tổ chức dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới trụ sở tại Munich, Đức, cho biết: “Tôi không thể tin được làn sóng thứ hai đã ập đến nhanh đến mức nào. Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng chuyển sang tiêu cực ở một số quốc gia trong quý IV. Như vậy, một cuộc suy thoái khác là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Những tưởng số liệu quý III ​​sẽ cho thấy mức tăng trưởng GDP kỷ lục của khu vực đồng euro khi chúng được công bố vào cuối tháng này. Nhiều nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo quý IV so với trước. Bà Lena Komileva, nhà kinh tế trưởng tại G+ Economics, cho biết: “Sự trỗi dậy của virus Corona, hoạt động kinh doanh bị đình trệ và cú sốc niềm tin khiến suy thoái kinh tế kép đang trở thành kịch bản trung tâm". Bà nhấn mạnh thêm, sự gián đoạn của Brexit sẽ càng “khuếch đại” tình trạng suy thoái này.

Những dự đoán rằng nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ quay trở lại suy thoái, cho dù ít hơn nhiều so với đầu năm, là tin xấu đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn chỉ mới trong tháng trước đã dự báo tăng trưởng quý IV hơn 3% cho khu vực. Một thoái trào khác sẽ làm tắt niềm tin của ECB về viễn cảnh nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ trở lại quy mô trước đại dịch vào năm 2022.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot và là thành viên Hội đồng Điều hành ECB cho biết: “Nhiều quốc gia châu Âu đang phải trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai... Điều này có nghĩa khả năng phục hồi bây giờ dường như xa hơn chúng tôi đã hy vọng. Chắc chắn, tác động kinh tế sẽ ngày càng sâu sắc”.

Phản ứng cần thiết

Hầu hết nhà phân tích hy vọng ECB sẽ phản ứng khi nền kinh tế châu lục phát triển mạnh gần đây lại rơi vào tình trạng giảm phát bằng cách bổ sung 500 tỷ euro vào chương trình mua trái phiếu khẩn cấp vào tháng 12. Trong một dấu hiệu nữa cho thấy khả năng châu lục sẽ phải nới lỏng tiền tệ nhiều hơn, ông Robert Holzmann, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Áo, đồng thời là thành viên Hội đồng điều hành ECB, cho biết: “Các biện pháp ngăn chặn lâu dài, rộng rãi hoặc nghiêm ngặt hơn có thể sẽ đòi hỏi nhiều điều tiết tài chính và tiền tệ hơn nữa trong ngắn hạn”.

Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro theo kế hoạch của EU vẫn đang được tranh luận, do đó, nó khó có khả năng bắt đầu phân phối tiền trong khoảng một năm. Vì vậy, theo bà Nadia Gharbi, nhà kinh tế tại Pictet Wealth Management, trong khi chờ đợi, các chính phủ quốc gia “cần thu hẹp khoảng cách”.

Nhiều nhà lãnh đạo chính trị vẫn hy vọng tránh được biện pháp phong tỏa chặt, từng gây ra suy thoái kỷ lục sau chiến tranh, như trong quý II. Theo ông Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Commerzbank của Đức, “các chính trị gia đã học được bài học từ làn sóng đầu tiên". Ông cho rằng: “một đợt phong tỏa vô định hình thứ hai không được mong đợi bởi cái giá kinh tế quá lớn”.

Tuy nhiên, với mức độ lây nhiễm mới hàng ngày ở một số quốc gia tăng cao hơn mức đỉnh trước đó của đại dịch vào tháng 3 và tháng 4, các giường bệnh lại bị lấp đầy, nhiều chính phủ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài thắt chặt biện pháp hạn chế hơn nữa.

Ngay cả khi không có các đợt đóng cửa toàn diện, nhiều nhà kinh tế nhận định, khi tỷ lệ nhiễm virus Corona tăng lên, hoạt động tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, vì nhiều người phải ở nhà và tiêu ít đi, giống như những gì đã xảy ra lúc đại dịch lần đầu tiên.

Ông Erik Nielsen, chuyên gia kinh tế trưởng của UniCredit dự báo: “Nếu mọi người sợ hãi và ở nhà, thì khoản tiết kiệm đề phòng rủi ro sẽ lại tăng lên. Điều đó có thể đẩy chúng ta vào một quý tiêu cực khác đối với GDP”. Ông nói thêm, “với những loại cú sốc này, hầu như không có gì để đẩy chúng ta vào tình trạng kinh tế tiêu cực hơn trước”.

Một phân tích gần đây của Financial Times về dữ liệu di động của cộng đồng Google cho thấy, sau khi tăng trong nhiều tháng, lượng khách đến quán cà phê, nhà hàng, địa điểm bán lẻ và giải trí bắt đầu giảm trở lại vào đầu tháng 10 tại nhiều thành phố châu Âu, bao gồm Paris, London, Amsterdam, Berlin hay Madrid. Các ngân hàng trung ương đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu tần suất cao này để nhận biết dấu hiệu cho thấy các đợt bùng phát mới đang ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào. Một thành viên Hội đồng điều hành ECB cho biết: “Những tác động tiêu cực vào nhu cầu đang chiếm ưu thế và các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động đang bị ảnh hưởng rất nặng nề”, “suy thoái kép là có thể”.

Tình trạng đó đặc biệt gây khó khăn cho các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nơi có nhiều ngành dịch vụ lớn đòi hỏi mức độ tương tác xã hội cao, chẳng hạn như du lịch và giải trí. Tổ chức Allianz tuần trước buộc phải cắt giảm dự báo kinh tế của Tây Ban Nha và Pháp, theo đó thay vì tăng trưởng, chúng sẽ giảm lần lượt 1,3% và 1,1% trong quý IV.

Một số điểm yếu thể hiện rất rõ trong cuộc khảo sát của IHS Markit với các nhà quản lý phụ trách mua hàng vào tháng trước. Theo đó, lần đầu tiên kể từ tháng 5, phần lớn doanh nghiệp dịch vụ khu vực đồng euro báo cáo hoạt động giảm mạnh so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu sáng sủa trong cuộc khảo sát liên quan đến sự cải thiện hơn trong lĩnh vực sản xuất, vốn được thúc đẩy nhờ sự phục hồi của thương mại toàn cầu, đặc biệt là hàng xuất sang Trung Quốc. Trong một dấu hiệu lạc quan khác, đơn đặt hàng của các nhà máy ở Đức đã vượt xa kỳ vọng khi tăng 4,5% trong tháng 8. Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại ING, cho biết, một số công ty sản xuất của Đức thậm chí tự tin ​​sẽ có “quý tốt nhất” trong ba tháng cuối năm nay. Ông nhận định: “Điều này có thể đủ để tránh tình trạng suy thoái kép”.

Linh Anh