Nguồn lực phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Thứ Ba, 18/05/2021, 08:19 - Chia sẻ
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, hơn 60 năm qua ngành khoa học và công nghệ đã gặt hái được nhiều thành tựu, đưa KH-CN phục vụ hiệu quả đời sống, xã hội.

Khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong giai đoạn vừa qua, KH-CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển KT-XH. Tiềm lực KH-CN quốc gia; hạ tầng nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học… được tăng cường. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển KT-XH của đất nước, đồng thời đóng góp xây dựng các văn kiện quan trọng của Đảng; một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST). Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã tương đối hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Các khu công nghệ cao đã góp phần thu hút nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới…

Hệ tri thức Việt số hóa được hình thành và hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai nhiều hoạt động như hoàn thiện platform nền tảng, đang cập nhật dữ liệu cho các dự án: Nhân đạo số (inhandao.vn), Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn), Bách khoa toàn thư mở (bktt.vn), Bản đồ an toàn covid (antoancovid.vn), Giáo dục số (igiaoduc.vn)…

Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bắt đầu hình thành và phát triển với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017), đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 tăng trung bình 20%. Đầu tư cho KH-CN đã có sự dịch chuyển tích cực, đến nay đầu tư cho KH-CN từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.

Doanh nghiệp ngày càng chú trọng đầu tư khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả đời sống, sản xuất

Hiện nay, hệ thống pháp luật về KH-CN tương đối đầy đủ, đồng bộ, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển KH-CN đã từng bước đi vào cuộc sống. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp hiệu quả điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển KT-XH; nhất là trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Trong nông nghiệp, KH-CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Việc áp dụng nhiều công nghệ mới đã giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều, hạt tiêu, gạo… Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%. Xuất hiện các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị như: Tập đoàn TH True Milk, VinEco, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Giống thủy sản Việt Úc… Nhiều nhiệm vụ KH-CN đã tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương.

Một số sản phẩm điển hình như Xoài Sơn La xuất sang thị trường Mỹ, Canada và Australia; chè (Thái Nguyên); trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long, chế biến rau quả ở Gia Lai, Tây Ninh…; thủy - hải sản (Phú Yên; Khánh Hòa; An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu...). Đặc biệt, có một số sản phẩm chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao như vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang. Riêng năm 2020, doanh thu đạt 6.900 tỷ đồng, chiếm gần 19% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang; hay phát triển chuỗi giá trị cây dừa Bến Tre với doanh thu 3.300 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh...

Trong lĩnh vực công nghiệp, đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn (nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu); hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW; làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo máy biến áp điện lực 3 pha 500kV-3 x150 MVA, chất lượng tương đương của châu Âu, đưa Việt Nam là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á chế tạo thành công máy cỡ lớn này. Đặc biệt, việc thiết kế, chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có khả năng chế tạo được sản phẩm này.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, y tế cũng có nhiều thành tựu, một số lĩnh vực ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như: Kỹ thuật ghép tạng, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, y học hạt nhân, công nghệ tế bào gốc, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vaccine và sinh phẩm.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ cấp bách với nhiều kết quả quan trọng như: Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công virus; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất được vaccine phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu Covid-19, trong đó vaccine Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện; tổng hợp trên 1.700 các công bố khoa học quốc tế mới nhất về dịch bệnh; phát huy nền tảng của đề án Hệ tri thức việt số hóa trong truy vết người tiếp xúc, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch…; nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm thành công Robot vận chuyển, Robot khử khuẩn sàn lau nhà trong khu cách ly. Ngay trong tháng 5 này, Hệ thống robot y tế hiện đại do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện đã chính thức được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tại Hà Nam) để thay thế nhân viên y tế phục vụ trong các khu vực cách ly bệnh nhân Covid-19.

Có thể nói, KH-CN và ĐMST đã và đang góp phần giải quyết tốt các vấn đề, thách thức thực tiễn đặt ra và ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước đã nâng tầm vai trò của KH-CN và ĐMST. Trong đó khẳng định: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, đồng thời yêu cầu “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".

HẠNH NGUYÊN