Nguồn lực con người là quan trọng nhất!

- Thứ Năm, 28/01/2021, 08:12 - Chia sẻ
Cái gì không biết thì tra Google! Internet và công nghệ số giúp người Việt tiếp cận đến tri thức toàn nhân loại, điều đó ai cũng biết. Bên cạnh đó còn có một sự chuyển dịch ít người để ý nhưng rất thú vị và gợi nhiều hàm ý cho những người làm chính sách. Đó là việc công nghệ đưa một thế hệ doanh nhân, kỹ sư công nghệ, người nghiên cứu gốc Việt ở các nước phát triển có những kết nối theo cách mới và đóng góp thiết thực mới cho đất nước. Những gương mặt nổi trội trong những ngành “hot” nhất của giới công nghệ hiện nay là trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu có thể kể tới TS. Lê Viết Quốc, Trưởng nhóm trí tuệ nhân tạo Google Brain của Google hay như TS. Vũ Hà Văn ở VinAI…

Người Việt có nhiều thế hệ thành công ở nước ngoài và nhiều người rất canh cánh làm điều gì đấy cho đất nước. Tuy nhiên, thế hệ các trí thức và chuyên gia Việt kiều trước đây, chủ yếu làm trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chưa có điều kiện đóng góp như tiềm năng họ có cho Việt Nam. Trong thực tế, cơ sở vật chất và cơ chế làm việc chủ yếu là viện nghiên cứu hoặc đại học công lập không đủ tạo ra môi trường cho các trí thức đóng góp.

Nhờ công nghệ số, điều đó đã thay đổi. Những tài năng người Việt làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, trở về nước để khởi nghiệp hoặc vẫn ở nước ngoài mà đóng góp lớn thông qua cộng tác với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Môi trường doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Đại học Fullbright và nhiều công ty công nghệ tạo “đất mới” cho họ.

Ngoài phần đỉnh của tảng băng như những nhân vật đã nhắc tới ở trên, phần chìm lớn hơn, ý nghĩa hơn là lực lượng đông đảo nhân lực Việt đã du học, được đào tạo trong các trường đại học ở nước phát triển; có thời gian làm việc ở các nước phát triển trong các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, thương mại… giờ trở về khởi nghiệp và vẫn duy trì sự kết nối với thế giới. Họ đã đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển đột phá của nền kinh tế số trong nước nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, Việt Nam chưa khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực to lớn này.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu này hoàn toàn thực tế nếu gắn liền với công nghệ số, dịch vụ số (chứ không phải công nghiệp sản xuất, chế tạo). Rất xác đáng, dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định kinh tế số là một động lực quan trọng trong nhiều thập kỷ tới để biến khát vọng Việt Nam thịnh vượng trở thành hiện thực.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy vấn đề trọng dụng nhân tài là rất quan trọng trong chiến lược phát triển của một quốc gia. Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng khi đề cập đến phương hướng những năm tiếp theo của đất nước cũng khẳng định “nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi làm thế nào để khai thác thực sự hiệu quả lực lượng người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ số - những người “lúc nào cũng mơ về Việt Nam” như chia sẻ của TS. Lê Viết Quốc - để tạo thêm nguồn lực cho phát triển, cần phải được đặt ra và tìm cho được câu trả lời.

Việt Nam hiện có đủ nền tảng cho một nền kinh tế số, dịch vụ số. Dân số Việt Nam trẻ, năng động và nhạy bén với các công nghệ số mới dựa trên nền tảng giáo dục phổ cập ở cấp phổ thông tương đối rộng rãi. Nếu lực lượng người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ số có thể hợp tác và đóng góp nhiều hơn cho đất nước thì giấc mơ về một “Việt Nam số” vào năm 2045 chắc chắn thành hiện thực và thịnh vượng sẽ ở trong tầm tay.

Cẩm Phô