Người về hưu có quê hương thứ hai
Người về hưu nước ngoài đã và đang đổ xô đến các nước châu Á. Họ đến từ các nền kinh tế xã hội khác nhau và có mặt rải rác khắp châu Á. Bạn sẽ nhìn thấy họ ở những nơi như Chiang Mai và Phuket ở Thái Lan hay ở Philippines, Malaysia và Bali (Indonesia), cả ở Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc.
![]() |
Họ là những “ông Tây”, “bà Tây” đã về hưu - chủ yếu là người Australia, châu Âu và Bắc Mỹ. Du lịch là cách để trốn mùa đông lạnh lẽo và trốn cái viễn cảnh phải dành những năm tháng hoàng hôn của cuộc đời ở nhà dưỡng lão. Mặc dù số lượng ít, nhưng con số ngày càng tăng trong khu vực, nơi mà nghỉ hưu đã trở thành một ngành kinh doanh lớn từ Nhật Bản đến Ấn Độ.
Ngành kinh doanh nghìn tỷ
Tương tự triển vọng phát triển kinh tế của châu Á, dân số già của khu vực cũng có sự tăng trưởng như vậy.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Manila ước tính rằng dân số già của châu Á sẽ đạt 922,7 triệu người vào giữa thế kỷ này. Theo Liên Hợp Quốc, ở Ấn Độ, số lượng người ở độ tuổi 60 trở lên sẽ tăng từ mức hiện nay là khoảng 8% đến hơn 18% vào năm 2050 còn ở Đông Nam Á, số lượng sẽ tăng từ 8 đến 22% và ở Trung Quốc từ 12% đến hơn 33%. Theo ADB, châu Á đang trên đà trở thành khu vực già nhất trên thế giới chỉ trong vài thập kỷ.
Các tổ chức đa phương này cho biết “chính sách và hệ thống các chính phủ ở châu Á hầu như không được chuẩn bị cho sự thay đổi nhân khẩu học rộng lớn như vậy”.
Mặc dù thế, một số chính phủ như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines đang kiếm lợi từ việc nghỉ hưu - hay còn gọi là “nền kinh tế bạc”. Theo Ageing Asia có trụ sở tại Singapore, công ty tư vấn tiếp thị chuyên về sự lão hóa trong khu vực châu Á - Thái Bình dương, đến năm 2017, Ấn Độ sẽ có hơn 118 triệu người ở độ tuổi trên 60, Nhật Bản 30 triệu USD, Trung Quốc 217 triệu và Indonesia 24 triệu.
Việc kinh doanh tuổi già - từ việc xây làng hưu trí cho người nước ngoài hay dân địa phương cho đến các trung tâm y tế và công ty chuyên lo các kỳ nghỉ cho người lớn tuổi - được dự báo đem về cho châu Á hơn 33.000 tỷ USD vào năm 2017, theo Ageing Asia.
Thị thực hưu trí - điểm hấp dẫn
Ông John Harvey, đối tác cũ với công ty kiểm toán toàn cầu Ernst & Young, đã dành hơn 40 năm ở khu vực. Nhưng thay vì trở về quê hương là Anh quốc, ông đã chọn Malaysia để… nghỉ hưu. “Đó là một quyết định dễ dàng”, ông nói. “Tôi muốn một nơi có khí hậu dễ chịu với chi phí sinh hoạt phải chăng, nơi người ta nói tiếng Anh và các cơ sở y tế vào loại hạng nhất… Malaysia đáp ứng tất cả các yêu cầu đó”. Ông hiện sống trong một khu chung cư ở ngoại ô Kuala Lumpur, nơi “có thể dễ dàng truy cập tất cả những thứ tôi cần”, ông nói thêm.
Malaysia tích cực khuyến khích người về hưu nước ngoài, đây là một phần trong chương trình phát triển chính phủ liên quan đến ngành du lịch y tế đang phát triển của mình. Theo chương trình Malaysia – Quê hương thứ hai của tôi (MM2H), thị thực có giá trị trong 10 năm tùy thuộc vào việc người về hưu có thể đáp ứng các yêu cầu tài chính như tiền gửi cố định ít nhất là 47.500 USD trong tài khoản tiền gửi của Malaysia hoặc lương hưu hàng tháng là 3.160 USD.
Thái Lan cũng có chương trình tương tự trong khi Singapore tích cực hướng đến đối tượng về hưu cao cấp.
Một báo cáo gần đây trong Bali Advertiser, ấn phẩm dành cho cộng đồng người nước ngoài, cho biết điểm đến du lịch nổi tiếng của Indonesia đã trở thành một “điểm nóng” cho người về hưu tìm kiếm chất lượng cuộc sống cao hơn với mức giá rẻ hơn nhiều so với ở nước họ.
Báo cáo cho biết: “Số người về hưu gọi Bali là “nhà” ngày càng gia tăng, đó là nhờ thị thực hưu trí dành cho người phương Tây ở độ tuổi 55 trở lên, có thể tự bảo đảm về tài chính. Thị thực một năm với chi phí 1.000 USD có thể được gia hạn hàng năm, kéo dài đến năm năm, lúc đó họ có thể nộp đơn ở lại vĩnh viễn”.
Tại Philippines, khoảng 160.000 người nước ngoài đã lấy thị thực hưu trí thường trú đặc biệt. Thị thực này không dành cho người đã nghỉ hưu có thị thực du lịch hoặc đầu tư và những người kết hôn với dân địa phương.
Chưa có cơ quan chính phủ nào ở Philippines có dữ liệu đầy đủ về người về hưu nước ngoài. Với những người có thị thực hưu trí, các quốc gia hàng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ có thể ở lại rất lâu, miễn là trả khoản tiền bảo đảm 5.000 USD và lương hàng tháng ít nhất là 1.500 USD.
Lối sống cao với chi phí hợp lý
“Không ai biết chắc chắn có bao nhiêu người về hưu ở trong khu vực”, theo Rhenu Bhuller, Phó chủ tịch phụ trách chăm sóc sức khỏe với các chuyên gia tư vấn toàn cầu Frost & Sullivan. Cô giải thích rằng ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia (Bali) có “sự tăng trưởng khoảng 10 đến 12% trong hai năm qua. Giống như hàng triệu du khách đến thăm khu vực này mỗi năm, người về hưu bị thu hút bởi lối sống ở đây”.
Ban đầu, nhiều người về hưu tìm kiếm giải pháp cho những mùa đông giá rét, ảm đạm ở bắc bán cầu. “Nhiều người ở đây cho qua những tháng mùa đông rồi trở về nhà, nhưng sau vài năm, họ trở lại đây. Họ thấy cuộc sống ở đây thoải mái hơn, giá cả phải chăng hơn và một lối sống mà họ không bao giờ có được khi trở về nhà”, Bhuller nói.
Tiêu chuẩn và chất lượng chăm sóc sức khỏe trong khu vực đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với người về hưu. Bhuller cho biết dịch vụ y tế được cải thiện “rất mạnh mẽ” trong những năm gần đây, với khoảng 27 bệnh viện được công nhận bởi Joint Commission International, tổ chức giám sát chất lượng dịch vụ y tế trên toàn cầu.
Trong một báo cáo hồi đầu năm 2013, chuyên gia tư vấn chiến lược Roland Berger cho biết chi tiêu y tế ở Đông Nam Á đã tăng lên 2,5 lần từ năm 1998 đến năm 2010, đạt gần 68 tỷ USD. Tuy nhiên, bảo hiểm tư nhân chỉ chiếm 4% tổng số này. “Ba yếu tố chính đang định hình sự phát triển này: tốc độ tăng trưởng dân số ổn định, tăng trưởng mạnh trong chi phí y tế và - quan trọng nhất – mức chi tiêu dành cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo đầu người đang gia tăng”.
Báo cáo cũng cho thấy sự phát triển đa dạng của thị trường chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á. “Campuchia, Lào và Myanmar vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, trong khi Indonesia, Việt Nam và Philippines cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân của họ. Malaysia và Thái Lan đang trong giai đoạn phát triển cao hơn và bây giờ tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao”. Singapore vẫn là thị trường hàng đầu, nơi khuyến khích khu vực tư nhân đóng góp vào tài trợ chăm sóc sức khỏe.
Trong danh sách Những quốc gia tốt nhất để nghỉ hưu 2013 của tạp chí Forbes, Malaysia xếp vị trí thứ ba trên toàn cầu và Thái Lan ở vị trí thứ chín. Chăm sóc sức khỏe là mối quan tâm lớn đối với người về hưu và danh tiếng về du lịch y tế của Malaysia rõ ràng là một lợi thế.
“Bạn có thể có được sự chăm sóc tuyệt vời mà chỉ tiêu tốn ít hơn một nửa những gì bạn phải trả ở Mỹ”, theo Jessica Stevens, biên tập viên điều hành của tạp chí International Living. Tạp chí này cho rằng Malaysia là một điểm đến ưa thích của những người hưu trí Bắc Mỹ.
Trên thực tế, ngoài thế mạnh “quen thuộc” như việc sử dụng tiếng Anh, Đông Nam Á vẫn còn đủ điều kỳ lạ để mang lại hứng thú khám phá cho những người về hưu năng động. Một số thành phố ở Trung Quốc cũng đã trở thành “chốn bình yên” của người nghỉ hưu nước ngoài như Tô Châu, Hàng Châu và Chu Hải - những thành phố nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và tốc độ sống thoải mái.