Cà phê phin

Người rơi

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 07:05 - Chia sẻ
20 năm sau thảm họa 11.9, di vật duy nhất mà người ta đã trao cho gia đình Norberto là một cái răng của anh, còn gia đình của Jonathan thì nhận được một chiếc máy nhắn tin. Nhưng họ cùng chia sẻ một nỗi đau rõ ràng và cũng chia sẻ sự nửa tin nửa ngờ vào một bức ảnh, có hình của một người đang rơi xuống.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 11.9.2001, khi đang chụp một show thời trang ở Bryant Park, New York, Richard Drew, phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP nghe tin Tòa tháp đôi bị tấn công. Chạy vội ra đường, ông nhanh chóng chụp những gì nhìn thấy. Tấm ảnh về một người nhảy xuống từ tòa tháp phía Bắc, hai năm sau được đặt tên là “Falling Man” (người rơi) trong một bài báo nổi tiếng, là một trong số những gì ông chụp được lúc 9.4 sáng của ngày bi thảm ấy.

Hình ảnh của một người đã chọn cách thoát khỏi tòa nhà đang cháy dữ dội và không thể nào ra nổi bằng việc nhảy xuống theo phương thẳng đứng, dọc theo những hàng cột cửa sổ của tòa tháp từ độ cao hơn 400 mét ấy đã trở thành một biểu tượng đau thương của vụ khủng bố 11.9. Bị mắc kẹt trên tầng cao, bất lực giơ tay ra ngoài cửa sổ vẫy mà không ai có thể cứu họ được, họ không muốn chờ cái chết dần dần hướng đến mình, khi đám cháy và khói loang ra, ép họ vào chỗ chết cháy và chết ngạt, và trong cơn tuyệt vọng, họ nhảy ra khoảng không, lao xuống đất với tốc độ rơi hơn 200km/h và nhanh chóng đi vào cõi vĩnh hằng. 

Nguồn: ITN

Người ta ước tính có khoảng 200 người đã chết theo cách đó. 200 người nghĩa là 200 cảnh đời, 200 số phận và 200 câu chuyện khác nhau để kể trong số gần 3.000 người đã thiệt mạng hôm 11.9 bi thảm ấy. Nhưng có một điều họ cùng có thể chia sẻ: Họ cùng rơi xuống đất, nhiều trong số họ chỉ còn là những cái tên bởi cho đến nay, sau 20 năm kể từ ngày ấy, vẫn còn rất nhiều di vật và xương cốt của người đã thiệt mạng chưa được xác định danh tính. Họ cùng là nạn nhân của một thảm họa đã mở ra một thế kỷ XXI đầy biến động và bất trắc, với những cuộc chiến tranh là hệ quả của nó, với hàng trăm nghìn nạn nhân khác nữa.

Nhưng không hình ảnh nào có thể mô tả được một cách đau đớn và trần trụi về sự tuyệt vọng như tấm ảnh này, về một người đến giờ vẫn chưa ai xác minh được danh tính, và chỉ có thể được gọi là "The Falling Man" (từ đầu đề một bài báo của Tom Junod trên tờ Esquire tháng 9.2003). Người chụp tấm ảnh đã bị chỉ trích về mặt đạo đức khi thực hiện cú bấm máy. Những tờ báo sử dụng tấm ảnh một cách ít ỏi vì nó quá nhạy cảm. Người ta sợ tấm ảnh quá chân thực này sẽ khuấy động thêm nữa những nỗi đau mất mát. Nhưng Junod, bị ám ảnh bởi sự chân thực đến đau lòng của bức ảnh, quyết tâm tìm ra không chỉ danh tính của “Falling Man” mà muốn tìm hiểu điều gì đã thúc đẩy người đàn ông ấy nhảy xuống.

Trong bài báo của mình, Tom Junod viết về “Falling Man”: “Dù anh ấy không chọn số phận ấy, nhưng có lẽ anh đã quyết định rồi, trong khoảnh khắc cuối cùng của đời mình, anh nhảy xuống. Nếu như không phải anh rơi, thì có lẽ anh đang bay. Dường như anh cảm thấy rất nhẹ nhõm trong không trung. Dường anh cảm thấy thanh thản trong một động tác không tưởng như thế. Anh cũng không có vẻ gì sợ hãi trước trọng lực ngày càng lớn hoặc điều gì chờ đợi anh ở phía trước”. 

Falling Man là ai, và cho đến khi nào chúng ta sẽ biết đích xác anh là ai? Không ai biết được. Điều duy nhất chúng ta biết được, là buổi sáng hôm ấy, gần 3.000 người đã chia tay người thân ở nhà và đến tòa Tháp đôi để làm việc, để rồi không bao giờ trở về nhà nữa. Họ và người thân của họ đã chứng kiến một ngày tháng 9 kinh khủng nhất trong đời, trực tiếp qua tivi, và rồi xa lìa mãi mãi trong một cuộc chia tay đầy nước mắt. Mắc kẹt trên tầng cao, bị cái nóng cả nghìn độ đe dọa và khói xộc tới, họ đã chọn cho mình một cách chết tưởng như nhanh chóng và giải thoát họ trong tích tắc, nhưng thực ra lại rất khủng khiếp cho những ai đã nhìn thấy bi kịch ấy. Họ nhảy xuống, chấm dứt sự đau đớn trong khoảnh khắc để tìm đến sự bình yên và để lại nỗi đau đớn ấy cho những ai chứng kiến họ nhảy, hoặc những ai là người thân của họ.

20 năm sau thảm họa 11.9, di vật duy nhất mà người ta đã trao cho gia đình Norberto là một cái răng của anh, còn gia đình của Jonathan thì nhận được một chiếc máy nhắn tin. Nhưng họ cùng chia sẻ một nỗi đau rõ ràng và cũng chia sẻ sự nửa tin nửa ngờ vào một bức ảnh, có hình của một người đang rơi xuống. Có thể đấy là Norberto hoặc Jonathan. Cũng có thể là một ai đó. Có thể là một trong số 200 người khác đã nhảy xuống cùng ngày. Điều duy nhất chắc chắn là tất cả đều đã chết.

Những ai chứng kiến tận mắt ngày đó sẽ không bao giờ quên trong cả cuộc đời mình, dù có người thân chết ở đó hay không. Vì họ được thấy những cái chết trực tiếp trên tivi. Trong một thế giới điên loạn và chưa bao giờ có một giây phút bình yên...

Anh Ngọc