Người kể chuyện buôn làng

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 15:02 - Chia sẻ
Làng Đăk Wớk, xã Hơ Moong, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, nhiều năm qua luôn được ghi nhận là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới và nổi tiếng với đội chiêng xoang từng đem bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình giới thiệu với bạn bè thế giới tại Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia… Thủ lĩnh của đội là người đàn ông Ba-na A Thút. Ông nguyên là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đại biểu HĐND xã Hơ Moong nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Nghệ nhân A Thút (người đứng đầu) hướng dẫn đội chiêng làng Đắk Wớt tập luyện
Nghệ nhân A Thút (người đứng đầu) hướng dẫn đội chiêng làng Đắk Wớt tập luyện

Thời niên thiếu, câu bé A Thút đã cùng một số thanh niên trong làng vượt rừng gùi lương thực tiếp tế cho bộ đội. Sau giải phóng, A Thút được giao phụ trách Chi hội Thanh niên xã, rồi Phó ban Văn hóa xã, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã. Là một giáo dân, A Thút luôn tự răn mình sống tốt đời, đẹp đạo và trở thành Đảng viên từ khi còn rất trẻ. Năm 2005, khi làng Đắk Wớt phải di rời đến nơi ở mới, nhường đất cho công trình hồ thủy điện Plei Krông, A Thút được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã.

Phụ trách mảng văn hóa - xã hội của một xã thuộc diện “vùng 3” (vùng đặc biệt khó khăn) A Thút đã có nhiều đóng góp cho chính quyền và Nhân dân nơi đây. Bà con Hơ Moong sau khi định cư trên đất mới vẫn còn đối mặt với biết bao thiếu khó. Chính quyền xã mới thành lập, đất đai bạc màu, thiếu nước nên nhiều hộ có tư tưởng quay về làng cũ, sống vật vờ bên mép nước phía huyện Đắk Hà. Cấp ủy, chính quyền xã cùng những cán bộ là người địa phương như A Thút đã lăn lội xuống từng hộ để tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân ổn định ở làng mới. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, tìm mọi nguồn lực để cải tạo cơ sở hạ tầng nơi định cư mới, giúp dân an cư lạc nghiệp.

Cuộc sống mới ổn định chưa bao lâu, tà đạo Hà Mòn lại len lỏi, đeo bám cuộc sống tinh thần của bà con ở vùng đất mới. Phó Chủ tịch A Thút lại đến với mỗi nếp nhà để vận động bà con từ bỏ tà đạo, từ bỏ những hoạt động làm hoen danh một vùng quê giàu truyền thống. Anh được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đại biểu HĐND xã Hơ Moong nhiệm kỳ 2011 - 2016. Bao năm vừa làm cán bộ địa phương vừa tham gia lao động sản xuất nông nghiệp cùng bà con đồng tộc quanh vùng, A Thút đã phát huy tốt vai trò người đại biểu nhân dân của mình.

Nghệ nhân A Thút trình bày bài dân ca “Rủ nhau đi hái măng le” cùng cây đàn tinh - ninh
Nghệ nhân A Thút trình bày bài dân ca “Rủ nhau đi hái măng le” cùng cây đàn tinh - ninh

Anh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, cùng trao đổi, bàn cách tháo gỡ và mạnh dạn đề xuất lên HĐND xã những nguyện vọng chính đáng. Những nét đẹp văn hóa truyền thống tưởng như bị vùi lấp trong cuộc sống khó khăn, những biểu tượng văn hóa dân tộc tưởng như bị chìm dưới lớp bùn nơi làng cũ đã được phục dựng và gìn giữ. Giờ đây, mỗi làng ở Hơ Moong đều được đầu tư xây dựng một nhà rông cao đẹp với kiến trúc đặc trưng của đồng bào, có đội chiêng xoang và còn có nhà nguyện cho bà con đi lễ, được thành lập giáo họ.

Cùng A Thút đi một vòng quanh các thôn làng, chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống mới đầy khởi sắc trên vùng tái định cư này. Hồ thủy điện Plei Krông năm nào giờ là nơi cho nguồn lợi thủy sản dồi dào, người dân đánh bắt tôm cá từ đây có cuộc sống khá ổn định. Làng Đắk Wơk Yôp, Đắk Wớk giờ đây còn thành lập cả Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại để thu mua nông sản cho bà con. Già làng A Núih vui vẻ khoe rằng, bà con Ba-na ở Hơ Moong có cuộc sống như ngày nay là nhờ có chính sách hỗ trợ của ĐảngNhà nước. Dù phải rời bỏ làng cũ giờ đã nằm dưới lòng hồ, song bà con được Nhà nước cấp nhà, được hỗ trợ đất làm vườn, hỗ trợ giống, phân bón, lại được cán bộ địa phương quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê, nuôi gia súc, gia cầm và vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới.

 A Thút cùng bà con làng Ka Tol sửa chữa nhà rông
A Thút cùng bà con làng Ka Tol sửa chữa nhà rông

Một đóng góp quan trọng không thể không nhắc đến của A Thút chính là sự bền bỉ lưu giữ giá trị cồng chiêng Tây Nguyên. Dù bận mải với công việc hành chính, song A Thút vẫn luôn vương vấn trong lòng hình ảnh người già gói buộc kỹ càng bộ chiêng quý của làng mang theo trong những ngày li loạn. Anh từng bán gần hết tài sản để mua lại những bộ chiêng quý mà đồng bào bán đi. Một bộ tặng lại cho cha là già A Bek để bộ chiêng lại có dịp hòa tiếng cùng những buồn vui của buôn làng. Một bộ dành để truyền dạy cho bọn trẻ. Riêng bộ chiêng cổ trên 100 năm thì chỉ dùng vào những dịp thật đặc biệt.

A Thút cũng tham gia tích cực dự án “Điều tra, sưu tầm sử thi Tây Nguyên” của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Cùng với cha mình, A Thút  âm thầm tìm hiểu, dịch nghĩa các bài Hơ-mon cổ để truyền bá những giá trị nghệ thuật, văn hóa độc đáo của sử thi Ba-na cho cộng đồng. Cùng với đội chiêng xoang của làng Đắk Wơk, A Thút đã thỏa mong ước được đưa tinh hoa văn hóa dân tộc mình đến với thế giới. Bởi từ ngôi làng bình dị ấy, những người đàn ông Ba-na đã được chọn sang Mỹ biểu diễn theo chương trình “Mê Kông - dòng sông kết nối”, rồi đến Kualar Lumpuar, Malaysia và dự hội thảo “Văn hóa truyền khẩu các nước ASEAN” hay “Festival dân ca và cồng chiêng” tại Hàn Quốc. Bạn bè thế giới từ chỗ ngạc nhiên đã thấy được cái hay, cái đẹp của một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO tôn vinh. Tại mỗi quốc gia, tiếng chiêng xoang đến từ núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ có sức mời gọi bạn bè quốc tế cùng tham dự trong nhịp bước thân thiện, rộn ràng.

Chúng tôi ngồi dưới gốc đa cổ thụ xòa bóng xuống nhà rông của làng Đắk Wớt. Ánh trăng mênh mang, tiếng chiêng rộn ràng, tiếng hò ngân vang. Tôi thấy gương mặt A Thút lấp lánh trong ánh lửa và nhịp đập Tây Nguyên đầy yêu mê ấy. Đêm chiêng xoang đã cho tôi hiểu thật sâu về đất và người Tây Nguyên, càng trân trọng mơ ước đưa tiếng rừng tiếng núi, tiếng của ông cha truyền đời bay cao, vang xa của A Thút.

Bài và ảnh: Phạm Vân Anh