Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện

- Thứ Tư, 10/11/2021, 12:27 - Chia sẻ

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế về trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý tình hình tài chính để ngăn ngừa những sai phạm trong các lĩnh vực liên quan đến đội ngũ bác sĩ.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về tất cả các hoạt động trong đơn vị của mình, kể cả những sai phạm. Bởi vì, khi để xảy ra tình trạng sai phạm trong đơn vị của mình, rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề về việc thiết lập cơ chế làm việc, các quy định về mặt pháp luật để làm việc, và về kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Các quy định đều nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện tài chính trong các cơ quan, đơn vị. Khi để xảy ra những vi phạm, dù có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về vi phạm đó. Tinh thần chỉ đạo chung là như vậy.

Đối với trách nhiệm của các cơ quan được phân quản lý theo địa bàn và lãnh thổ, Bộ trưởng cho biết, chúng ta thực hiện cơ chế song trùng chỉ đạo: Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về mặt chuyên môn, về mặt kỹ thuật đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc; bảo đảm việc hoạt động chuyên môn phải thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với các vấn đề về nhân sự trong quản lý tài chính; việc thanh tra, kiểm tra, UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm ở các đơn vị y tế thuộc các tỉnh, thành phố quản lý.

Mặt khác, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với những vấn đề bức xúc xảy ra. Những vấn đề liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cũng thành lập đoàn kiểm tra, nhưng chỉ kiểm tra về mặt chuyên môn, còn thanh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh tế, về tài chính như vấn đề về quản lý đấu thầu mua sắm… là do các địa phương triển khai thực hiện…

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã liên tục có văn bản nhắc nhở đối với các địa phương để các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có vấn đề về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị. Theo quy định pháp luật đối với phòng, chống dịch, hiện nay đã có Nghị quyết 30 của Quốc hội cho cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt; Nghị quyết 79 và Nghị quyết 86 của Chính phủ cũng đã cho phép áp dụng một số cơ chế trong tình trạng khẩn cấp để mua sắm. Tuy nhiên, các địa phương chưa áp dụng triệt để được các quy định này và vẫn còn tình trạng "ngại" mua sắm đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch.

Đối với việc kiểm soát giá, hy vọng các địa phương sẽ đẩy nhanh tốc độ mua sắm theo đúng các quy định. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc mua sắm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vi phạm thì xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Dù rất đau đớn, nhưng chúng ta vẫn phải xử lý để làm trong sạch và lành mạnh hóa về đấu thầu mua sắm trong lĩnh vực y tế; bảo đảm công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hạnh Nhung