Dịch vụ công trực tuyến:

Người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi

- Chủ Nhật, 05/09/2021, 16:53 - Chia sẻ
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và xã hội số là xu hướng tất yếu hiện nay. Trong điều kiện giãn cách do dịch bệnh, nhờ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mà việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp vẫn thông suốt, giúp giảm chi phí cũng như bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Lợi ích “5 không”

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang được xem là phương thức hữu hiệu giúp người dân và cả cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính giảm bớt nỗi lo lây lan dịch Covid-19. Không chỉ vậy, việc gia tăng số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện cải cách hành chính.

Trước diễn biến của dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Mặc dù vậy, thời gian qua việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp vẫn bảo đảm thông suốt nhờ vào thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đóng góp của dịch vụ công ngành Tài chính đối với cổng dịch vụ công quốc gia
Dù dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp vẫn bảo đảm thông suốt nhờ thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong những tháng đầu năm 2021, thành phố tăng cường triển khai hệ thống họp trực tuyến từ thành phố đến các điểm cầu trực tuyến của 579 xã, phường, thị trấn. Hà Nội cũng tiếp tục duy trì Cổng dịch vụ công thành phố và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố; tiếp tục triển khai cung cấp cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp 1.685 thủ tục hành chính. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.217 thủ tục; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 468 thủ tục...

Đặc biệt những ngày này, khi đang thực hiện theo yêu cầu giãn cách, dù công dân không đến làm việc trực tiếp nhưng tại nhiều địa phương cơ quan hành chính vẫn không dừng nghỉ việc giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử, tại quận Long Biên, những cán bộ thuộc bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả vẫn đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Những  hồ sơ này đều được gửi đến thông qua hệ thống trực tuyến.

Theo ông Bùi Dương, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân quận Long Biên, người dân có thể ngồi tại nhà, truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia để có thể thực hiện các thủ tục của mình mà không cần phải đến cơ quan nhà nước. Hiện nay, rất nhiều các thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4, tức là người dân có thể nhận kết quả, trả kết quả tại nhà. Vì vậy mà việc triển khai, giải quyết thủ tục hành chính hiện nay vẫn diễn ra bình thường.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tiếp xúc thì thanh toán trực tuyến cũng như thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công không chỉ mang lại tiện ích cho người dân mà còn góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Hiệu quả mà dịch vụ công trực tuyến mang lại chính là lợi ích “5 k”: không tiếp xúc khi thực hiện thủ tục; không cần đến cơ quan hành chính nhà nước; không chứng từ giấy và không giới hạn bởi khung giờ hành chính hay địa điểm thực hiện.

Bảo đảm sự minh bạch

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều cách vận hành của các cơ quan, đơn vị. Để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ trên nền điện tử đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai từ nhiều năm nay với mục tiêu thực hiện thành công chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử, tiến tới chính quyền số và Chính phủ số. Tuy nhiên, ở thời điểm dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, phương thức này càng ngày càng được sử dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả tích cực.

Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tất cả các cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nước ta sẽ đạt được mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2025 và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030, theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17 về những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ đã tiến hành các bước tiến mạnh mẽ. Chúng ta đạt được những tiến bộ khá đồng bộ trong hệ thống Chính phủ, từ dịch vụ công trực tuyến được đưa ra, cũng như việc phát triển hạ tầng và lan tỏa đến các ngành, các địa phương khác nhau.

Để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp làm thủ tục xác nhận tham gia bảo hiểm xã hội để nhận hỗ trợ từ gói an sinh lần 2 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã áp dụng 6 dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, người lao động và doanh nghiệp có thể ngồi nhà thực hiện các thủ tục nhận hỗ trợ mà không phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội.

Từ quá trình triển khai, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, dịch vụ công trực tuyến đảm bảo sự minh bạch; nhận được sự phản hồi tích cực của cả doanh nghiệp, kể cả người lao động. Đồng thời người dân cũng ghi nhận: từ lúc gửi giấy phép thì chỉ tối đa đạt trong ngày là nhận được kết quả, rất tích cực.

Có thể thấy, việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở cả 4 cấp chính quyền không chỉ mang lại các lợi ích thiết thực với người dân doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị. Điều này góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động phòng chống dịch.

Lê Hùng