Nghiên cứu tăng nặng mức phạt trên thị trường chứng khoán

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 10:10 - Chia sẻ
Trước tình trạng nhiều cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán, trong đó có những trường hợp tái phạm, TS. LÊ XUÂN THÂN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đề xuất, cần tăng nặng mức phạt hành chính, thậm chí cao hơn mức phạt tiền trong hình sự.

Chế tài khá đầy đủ, nghiêm minh

 - Nhìn từ vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa quyết định phong tỏa một tài khoản chứng khoán vì bán số lượng lớn cổ phiếu nhưng không công bố, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là bởi chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Quan điểm của ông thế nào?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, chế tài trong lĩnh vực chứng khoán được quy định cả trong lĩnh vực hình sự và hành chính từ lâu.

Cụ thể, trong lĩnh vực hình sự,  Bộ luật Hình sự năm 2009 sửa đổi đã bổ sung 3 tội danh về chứng khoán, gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán; có hiệu lực từ ngày 01.01.2010. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 ghi nhận 3 tội danh trên, đồng thời bổ sung thêm tội danh làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 01.01.2018. Trong đó, đáng lưu ý, đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209) mà gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đối với pháp luật hành chính, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156 đã quy định 14 hành vi xử phạt, trong đó mức phạt tiền cá nhân lên tới 1,5 tỷ đồng và đối với tổ chức không quá 3 tỷ đồng.

Rõ ràng, chế tài trong lĩnh vực chứng khoán đã khá đầy đủ. Nói chế tài chưa đủ mạnh, chưa nghiêm cũng không đúng, bởi pháp luật đã quy định cả về xử lý hình sự lẫn xử phạt vi phạm hành chính tùy từng mức độ hành vi cụ thể.

- Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân bán cổ phiếu mà không công bố thông tin có thể thu về hàng trăm tỷ đồng nhưng số tiền phải nộp tối đa chỉ có 1,5 tỷ đồng đang được cho là quá nhẹ, thưa ông?

- Đây là vấn đề đã được thảo luận nhiều thời gian qua. Tôi đồng tình cho rằng, mức xử phạt này vẫn còn thấp và cần nghiên cứu sửa đổi.

Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt hành chính hơn 470 trường hợp vi phạm. Nguồn ITN	Copy
Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt hành chính hơn 470 trường hợp vi phạm.
Ảnh nguồn: ITN

Cần thiết sửa đổi luật

- Như ông vừa chỉ ra, chế tài khá đầy đủ và nghiêm minh, nhưng số vụ vi phạm vẫn rất nhiều. Bằng chứng là năm 2021, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành tất cả 471 quyết định xử phạt hành chính. Vậy theo ông, cách nào để hạn chế vi phạm trên thị trường chứng khoán?

- Để xử lý dứt điểm, cần xử lý thật nghiêm khắc các vi phạm này. Hành vi đã cấu thành tội phạm thì phải xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Hành vi vi phạm hành chính thì phải áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định của Điều 132 Luật Chứng khoán 2019. Hiện nay, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cố ý che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán được quy định tại khoản 4 Điều 132 Luật Chứng khoán 2019 với mức phạt là 03 tỷ (đối với tổ chức) và 1,5 tỷ (đối với cá nhân) cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới.

- Cụ thể, việc sửa đổi này nên theo hướng nào, thưa ông?

- Khi đặt vấn đề sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, tôi đã có kiến nghị tăng các mức phạt tiền trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, kể cả chứng khoán, lên mức cao nhất có thể và cao hơn cả mức phạt tiền trong hình sự. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên vì hình sự là mức xử lý nặng rồi và xử phạt hành chính cần thấp hơn là phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng do thu nhập của nước ta vẫn còn thấp, do đó không tăng nặng mức xử phạt hành chính.

Hiện, tôi vẫn giữ quan điểm phải tăng mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính mà không bị khống chế bởi mức phạt tiền là hình phạt trong hình sự. Bởi lẽ, sự khác biệt giữa hành vi vi phạm phát luật là tội phạm với hành vi vi phạm pháp luật không phải là tội phạm mà chỉ là vi phạm hành chính nằm ở tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, chứ không phải ở chế tài được áp dụng. Hình phạt chính được áp dụng đối với người đã thực hiện tội phạm có 07 loại từ nhẹ đến nặng: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ… Hình thức xử phạt vi phạm hành chính có 05 loại: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép… Cùng là “cảnh cáo”, nhưng cảnh cáo là hình phạt khác với cảnh cáo chỉ là hình thức xử phạt nhẹ nhất trong vi phạm hành chính. Phạt tiền (cho dù là mức tiền phạt có thấp hơn mức phạt hành chính) cũng là nặng hơn rất nhiều đối với phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính. Hơn nữa, người phạm tội là người có án tích… Nói chung, không có quy định nào của pháp luật cấm việc quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính phải thấp hơn mức phạt tiền là hình phạt trong lĩnh vực hình sự.

Tất nhiên, tôi hiểu rằng Luật Chứng khoán mới được Quốc hội thông qua ngày 26.11.2019 và có hiệu lực thi hành từ 01.01.2021. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng vừa mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung ngày 13.11.2020 và có hiệu lực từ ngày 01.01.2022. Song, việc sửa đổi bổ sung luật là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội, nhưng phải có thời gian nghiên cứu, trao đổi, đánh giá hiệu quả xã hội kỹ càng thì mới có thể thực hiện được.

- Xin cám ơn ông!

Đ. Thanh