Nghiên cứu khoa học trong trường đại học:Mới chỉ là công việc “tay trái”

- Thứ Bảy, 24/07/2010, 00:00 - Chia sẻ
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động chính của các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ở các trường đại học của nước ta hiện nay dường như hoạt động này mới chỉ là công việc “tay trái” của các giảng viên. Chính vì vậy với yêu cầu các trường đại học phải là những trung tâm nghiên cứu khoa học, thậm chí đóng vai trò chủ đạo trong một số lĩnh vực mũi nhọn của đất nước.. đang là một thách thức quá lớn đối với các trường đại học.

Thiếu thực tế và chưa hiệu quả

Trong nghị quyết của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đưa ra mục tiêu nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ tối thiểu 15% nguồn thu của các cơ sở giáo dục ĐH vào năm 2010 và 25% vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT (qua số liệu từ 40 trường ĐH trong cả nước tính đến cuối năm 2009) cho thấy: tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động KHCN trong tổng nguồn tài chính của các trường là 3,92% . So với nghị quyết của Chính phủ thì con số này mới chỉ bằng 26% mục tiêu đề ra. Trong nguồn thu này, các trường thuộc khối kỹ thuật công nghệ chiếm tới 77,28%, tiếp đến là khối các ĐH, còn các khối khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, đặc biệt khối trường kinh tế chưa có nguồn thu từ hoạt động triển khai, chuyển giao công nghệ và bán sản phẩm. Đối với các trường ĐH địa phương, ngoài doanh thu từ hoạt động triển khai và chuyển giao kết quả nghiên cứu bằng không, thì đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước của các trường này cũng bằng không. Bên cạnh nguồn thu chưa đạt chỉ tiêu, cơ cấu nguồn thu từ hoạt động KHCN của các trường ĐH chưa cân đối, chủ yếu là từ các hoạt động hợp tác quốc tế.

Đi tìm nguyên nhân

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân gây ra tình trạng này là việc nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH không bám sát thực tiễn... Đội ngũ cán bộ KHCN đầu ngành còn mỏng, cán bộ trẻ kế cận còn thiếu. Cơ sở vật chất cho hoạt động này thiếu cả về số lượng và chất lượng (hiện bình quân mỗi trường ĐH có khoảng 20 phòng thí nghiệm và phần lớn chỉ tập trung ở một số trường lớn).

Tại một cuộc hội thảo gần đây, khi đề cập đến vấn đề này, nhiều lãnh đạo các trường ĐH đều có chung nhận định rằng: phần lớn các trường ĐH hiện nay còn thụ động, kém năng động thiếu nhạy bén trong việc nghiên cứu khoa học. Ngoài việc “ngồi đợi” Bộ giao, đa số các trường đều không có chương trình nghiên cứu riêng của mình. Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu còn chưa cụ thể, tản mát, hàm lượng khoa học thấp. Nhiều ý kiến đều chỉ rõ: khó khăn lớn nhất trong công tác nghiên cứu khoa học của các trường ĐH là cân bằng giữa thời gian dạy và thời gian nghiên cứu khoa học. Hiện nay, các giảng viên mới chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy là chủ yếu...

Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, khi thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, nhiều đại biểu QH đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Theo ĐB  Nguyễn Văn Phát (Thanh Hoá), nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của giáo dục ĐH, nhưng chúng ta kiểm điểm lại thấy rằng, đầu tư cho khoa học đối với các trường ĐH lâu nay là rất hạn chế và chúng ta để một hệ thống giữa giáo dục ĐH và quản lý khoa học tách rời nhau, chúng ta không huy động được lực lượng cán bộ ở các viện nghiên cứu tham gia vào quá trình giảng dạy ở các trường ĐH, đồng thời là giảng viên của các trường ĐH không có điều kiện tham gia vào các phòng thí nghiệm để tổ chức các hoạt động nghiên cứu...

Cùng với quan điểm trên, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh: Đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ về hiện tượng chưa gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy hiện nay. Hiện cả nước có 69 viện nghiên cứu được đào tạo sau ĐH cùng với 73 trường ĐH, việc thiếu những chuyên gia giỏi ở các trường ĐH và việc tách viện nghiên cứu kiêm chức năng đào tạo sau ĐH là một hiện tượng không bình thường...

Để hai chức năng ... song hành và gắn kết

Các trường ĐH bên cạnh công tác đào tạo còn phải nghiên cứu khoa học. Hai chức năng này luôn gắn kết và bổ trợ cho nhau. Hiện Bộ GD-ĐT đang triển khai triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD - ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH. Và một trong những vấn đề được Bộ GD-ĐT quan tâm, đó là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học. Bộ đã đưa ra 5 giải pháp, trong đó có các giải pháp như phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động KHCN; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động KHCN; xây dựng định hướng chiến lược KHCN phù hợp với tiềm lực lợi thế của mỗi trường và định hướng phát triển KHCN của Nhà nước, của ngành Giáo dục.

Tại diễn đàn Quốc hội, khi đề cập đến vấn đề này, một số đại biểu cho rằng: không thể xây dựng một trường có đẳng cấp quốc tế nếu như thiếu thành quả trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy, trước hết nên xem xét tổ chức lại các cơ sở nghiên cứu trong một số trường ĐH trọng điểm và đưa các viện nghiên cứu trực thuộc các trường ĐH này. “Đề nghị Quốc hội xem xét lại cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT và của Bộ KH-CN, làm sao để chuyển phần lớn các viện nghiên cứu vào các trường ĐH. Có như vậy thì chúng ta mới gắn kết nghiên cứu khoa học với giáo dục - đào tạo” - ĐB Nguyễn Văn Phát  nhấn mạnh...

Từ thực tế quản lý và giảng dạy, lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cần tập trung vào các vấn đề như: Cơ chế quản lý, kinh phí và chính sách hỗ trợ nhà khoa học, tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyển giao công nghệ... Trong đó, tăng nguồn thu từ hoạt động KHCN là giải pháp để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: kinh phí - chất lượng nghiên cứu...

KHCN đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của từng quốc gia. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học là một xu thế của nền giáo dục năng động, sáng tạo. Thiết nghĩ nếu coi đổi mới quản lý giáo dục ĐH là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, thì việc đầu tư và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH hiện nay là tiền đề quan trọng để đưa nền giáo dục ĐH của nước ta có những bước tiến mới, vững chắc.

Quốc văn