Nghiên cứu bổ nhiệm luật sư vào các chức danh tư pháp
Ngày 7.10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo đánh giá chính sách hỗ trợ phát triển, quản lý về tổ chức và hoạt động luật sư.
Tại hội thảo, nhiều luật sư rất quan tâm đến Đề án thu hút các luật sư đủ năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức để tạo nguồn tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Đây là đề án nằm trong nhóm các đề án được Bộ Tư pháp tích cực hoàn thiện nhằm bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được đề ra trong Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được Chính phủ ban hành năm 2011.
Đồng tình với sự cần thiết của đề án, nhiều luật sư cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên…đã nghỉ hưu chuyển sang làm luật sư nên đã hiểu hơn công việc tưởng chừng đối lập với nhiệm vụ công tố. Nếu các luật sư - vốn là người gần gũi người dân hơn so với các kiểm sát viên, thẩm phán, được bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp sẽ tạo góc nhìn khách quan hơn trong công tác tố tụng. Sự “giao thoa” giữa các ngành trong hoạt động tố tụng sẽ giúp các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư hiểu nhau hơn, từ đó góp phần hạn chế án oan sai. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu đề án, Bộ Tư pháp nhận thấy còn nhiều vướng mắc trong cơ chế quản lý, cần thời gian để các ngành, các cấp thảo luận, tìm kiếm giải pháp.
Đóng góp ý kiến về định hướng, nhiệm vụ triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư trong những năm tiếp theo, Luật sư Phan Thông Anh (Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cho rằng, qua 4 năm triển khai Chiến lược, số lượng, chất lượng của luật sư Việt Nam đã có bước tiến lớn. Tuy nhiên, hiện nay số lượng luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư phân bổ không đều, thậm chí nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa còn tình trạng “trắng” luật sư, gây ảnh hưởng đến như cầu thụ hưởng pháp lý của nhân dân. Theo ông Phan Thông Anh, Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu các quy định của Luật luật sư, các biện pháp để hỗ trợ luật sư thành lập các tổ chức hành nghề tại các địa bàn này. Bên cạnh đó, Luật sư Phan Thông Anh cũng băn khoăn, thực tế hiện nay mới chỉ có 29/63 tổ chức Đảng được thành lập trong các liên đoàn luật sư các tỉnh. Nhiều luật sư là đảng viên nhưng không có chi bộ để sinh hoạt. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 33/CT-TW năm 2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Bộ Tư pháp cần có đề xuất, tham mưu thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng trong các đoàn luật sư trên cả nước.
Qua 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, số lượng luật sư cả nước đã tăng gần 3.200 luật sư (từ 6.250 luật sư lên đến gần 9.400 luật sư). Cả nước đã phát triển hơn 500 tổ chức hành nghề luật sư, đưa số lượng tổ chức hiện nay lên hơn 3.400 tổ chức. Trong hoạt động tham gia tố tụng, đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 87.600 vụ việc.