Hàn Quốc: Xuất khẩu văn hóa như một sức mạnh mềm

- Chủ Nhật, 29/01/2023, 07:22 - Chia sẻ

“Xuất khẩu văn hóa” là một khái niệm nằm trong “sức mạnh mềm”, do giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard đặt ra vào năm 1990. “Sức mạnh mềm” là thuật ngữ nói đến các phương cách phi truyền thống mà một quốc gia sử dụng nhằm tạo ảnh hưởng. Đối với Hàn Quốc, đó là việc tiếp thị, quảng bá văn hóa và sử dụng văn hóa dân tộc để làm ảnh hưởng, tác động tới các quốc gia khác.

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc được gọi là Làn sóng Hallyu
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc được gọi là Làn sóng Hallyu

Vào những năm 1960, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 87 USD năm 1962 và cái tên “Hàn Quốc” cũng chẳng được thế giới biết đến, quan tâm, chú ý nhiều lắm. Nhưng với ý chí kiên cường và những chính sách phát triển đúng đắn, Hàn Quốc ngày nay đã được cả thế giới biết đến không chỉ là một trong 10 cường quốc kinh tế trên thế giới với GDP năm 2011 lên tới 832,5 tỷ USD (gần bằng GDP của 10 nước ASEAN cộng lại) thu nhập bình quân đầu người là 28.100 USD (và bằng 28 lần mức bình quân của Việt Nam) với nhiều sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng có mặt ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, khu vực trên thế giới.

Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền công nghiệp nội dung văn hóa với làn sóng K-pop, K-drama... xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới. Một trong những chuyển biến cấp tiến làm nên thành công là việc chuyển hướng chính sách CNVH từ kiểm soát về chính trị sang coi CNVH là trọng tâm của các chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu vào đầu những năm 1990. Chính sách phát triển các ngành CNVH được triển khai đồng bộ cùng đầu tư của chính phủ vào các ngành chiến lược khác như công nghệ thông tin và truyền thông, hướng nền công nghiệp này theo hướng “xuất khẩu” các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hàn Quốc ra thế giới.

Thay đổi quan trọng trong cơ chế quản lý văn hóa của Hàn Quốc là xu hướng phi tập trung hóa. Xu hướng chuyển từ “chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân”. Xu hướng này bảo đảm cho việc chính sách văn hóa không phải được áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội. Quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa có thể làm cho khu vực văn hóa, nghệ thuật tự chủ và năng động hơn, đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của khu vực này.

Đặc biệt, vào năm 2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã khẳng định: “Văn hóa sẽ là nguồn vốn quyết định kinh tế trong thế kỷ XXI. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống mà trong đó, tất cả mọi người bất kể đang sống ở đâu và thuộc tầng lớp xã hội nào cũng có thể được trải nghiệm văn hóa trong đời sống hàng ngày”. Ông cho rằng, một đất nước tiến bộ và phát triển bậc nhất không phải chỉ đơn thuần có thu nhập cao, mà là một đất nước có nền văn hóa phát triển ở cấp độ cao cân bằng với sự phát triển của kinh tế.

Như vậy, chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng việc phát triển văn hóa của mình, bên cạnh đó, còn có tham vọng đưa văn hóa và ẩm thực truyền thống Hàn Quốc cạnh tranh ra toàn cầu và đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có nền văn hóa phát triển cao trên thế giới.

Thay đổi về cơ chế đầu tư tài chính: một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của Chính phủ cho VHNT là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho “bên cung” sang hỗ trợ cho “bên cầu”. Nói cách khác, trước đây, các trợ cấp của Chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Ngày nay Chính phủ quan tâm và tập trung nhiều hơn vào khán giả là những người thưởng thức/tiêu thụ văn hóa. Việc hướng trọng tâm ưu tiên vào khán giả cũng khẳng định hướng tiếp cận bảo đảm phúc lợi xã hội của chính phủ Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh vào sự tham dự và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của mọi người dân.

Trọng tâm sử dụng ngân sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc năm 2022 được xác định là: bảo đảm khả năng cạnh tranh, tính liên tục và tính phổ biển của văn hóa Hàn Quốc; hỗ trợ thúc đẩy sự mở rộng của làn sóng Hallyu mới ra nước ngoài; tăng cường hoạt động sáng tác, công nghiệp hóa văn hóa, nghệ thuật; giải quyết sự chênh lệch về văn hóa giữa các địa phương; mở rộng nền tảng các hoạt động thể thao và khôi phục du lịch nội địa. Lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật ở Hàn Quốc nhận được nhiều hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ. Ngân sách năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ thông qua là 7.153 tỷ won (7 tỷ USD), tăng 289,3 tỷ won (280 triệu USD) so với năm 2021. Ngân sách theo lĩnh vực: văn hóa nghệ thuật là: 2.405 tỷ won (2,4 tỷ USD); công nghiệp nội dung: 1.123 tỷ won (1,1 tỷ USD); du lịch: 1.442,3 tỷ won (1,4 tỷ USD).

Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều quỹ cho văn hóa nghệ thuật, cải tạo và nâng cấp nhiều trung tâm biểu diễn văn hóa nhỏ, bảo đảm điều kiện vật chất cho các địa điểm biểu diễn và quảng bá, thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật thông qua nhiều hoạt động, sự kiện. Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc tập trung nhiều hơn theo hướng hỗ trợ gián tiếp cho văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước có các biện pháp ưu đãi để xã hội đầu tư và tiêu thụ văn hóa nghệ thuật như ban hành các quy định, giảm và miễn thuế cho việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật và doanh thu từ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Chính phủ Hàn Quốc tiến hành các phương thức đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho văn hóa để khuyến khích sự thích ứng với môi trường và chủ động phát triển của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật trong nước. Khuyến khích sự đầu tư, hỗ trợ cho nghệ thuật từ khu vực tư nhân và các cá nhân thông qua hoạt động tài trợ và từ thiện, đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Hợp tác giữa các tổ chức văn hóa, nghệ thuật với các doanh nghiệp là một trong những khuynh hướng được ưu tiên hàng đầu.