Những quy định và truyền thống lâu đời của nghị viện

Truyền thống kỳ lạ của Nghị viện Anh

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 07:49 - Chia sẻ
Nghị viện Anh vốn được phong là “mẹ của các nghị viện” (vì là hình mẫu của nhiều cơ quan lập pháp trên thế giới). Cho tới nay, ở một số khía cạnh, cơ quan này vẫn tuân theo một số quy định cổ xưa và đôi khi hơi "kỳ quặc".

Móc cài áo khoác cá nhân

Vâng, bạn đọc đúng rồi: mỗi nghị sĩ Anh đều có một cái chốt tên để họ treo áo khoác khi bắt đầu làm việc. Không chỉ có vậy, mỗi chiếc đều có gắn một dải ruy băng màu tím, để các nghị sĩ treo kiếm. Tất nhiên, thời đại này thì các nghị sĩ không dùng kiếm nên chúng chỉ còn là một hình thức trang trí.

Phải nhớ chỗ ngồi

Hạ viện Anh có khoảng 650 nghị sĩ, nhưng lại chỉ có 427 ghế dài tại đây, dẫn đến việc một số nghị sĩ phải đứng trong các cuộc tranh luật hoặc thông báo lớn. Tuy nhiên, có một cách để các nghị sĩ có thể tìm được chỗ ngồi đó là họ đến sớm vào khoảng 8 giờ sáng, lấy “thẻ cầu nguyện” (prayer card) và đặt nó ở nơi họ muốn ngồi. Lời cảnh báo trước là họ cần phải tham dự các buổi cầu nguyện để làm điều này. Không chỉ vậy, họ cần phải quay mặt vào tường trong suốt buổi cầu nguyện.

Buộc chặt những luật lỏng lẻo

Có vẻ như Hạ viện Anh có một nỗi ám ảnh với các dải ruy băng. Khi các dự luật được đưa tới Thượng viện để được ký trước khi gửi đến Hoàng gia để phê chuẩn, chúng thường được buộc bằng một dải ruy băng màu xanh lá cây. Nếu bạn tinh mắt, đây là màu chính thức của Hạ viện (hay ít nhất là màu của những ghế ngồi tại đây). Việc làm này có hàm ý là để buộc chặt những luật lỏng lẻo.

Năm 2018, nghị sĩ Lloyd Russell-Moyle đã gây ra một vụ chấn động khi tóm lấy chiếc trượng, biểu tượng của Nữ hoàng tại Nghị viện Anh nhằm phản đối Chính phủ muốn hoãn cuộc bỏ phiếu về Brexit

Nguồn: ITN 

Chủ tịch Hạ viện bị "kéo đi" theo đúng nghĩa đen

Tất cả chúng ta đều đã có những ngày cảm thấy như thể chúng ta đang phải lê gót đến trường học hoặc cơ quan. Và Khi Chủ tịch Hạ viện Anh được bổ nhiệm, họ sẽ được "kéo" vào văn phòng theo đúng nghĩa đen - hay cụ thể hơn là phòng Hạ viện.

Truyền thống này bắt nguồn từ thời điểm xa xưa, lúc mà công việc của người đứng đầu Hạ viện là báo cáo những diễn biến trong Nghị viện với Quốc vương và tùy thuộc vào thông điệp, việc này đôi khi có thể khiến họ phải “trả giá”.

Các nghị sĩ bị “bắt cóc” 

Theo truyền thống, khi một phiên họp của Nghị viện được khai mạc, Nữ hoàng Elizabeth có nhiệm vụ đọc "Bài phát biểu từ ngai vàng" hay “Bài phát biểu của Nữ hoàng”, phác thảo các kế hoạch của Chính phủ trong 12 tháng tới hoặc lâu hơn. Khi đó, một nghị sĩ sẽ bị "giữ làm con tin” tại Cung điện Buckingham.

Truyền thống này xuất phát từ thời kỳ chế độ quân chủ, khi mối quan hệ giữa Quốc vương và nghị sĩ không được suôn sẻ. Vì vậy nghị sĩ “bị bắt cóc” ở Buckingham được sử dụng như quân bài thương lượng trong trường hợp Nhà vua hoặc Nữ hoàng bị đe dọa trong thời gian họ ở Westminster.

Sự thật thú vị

Khi khai mạc kỳ họp Nghị viện, Nữ hoàng sẽ đọc bài phát biểu ở Thượng viện chứ không phải Hạ viện vì theo một truyền thống cổ xưa, các quốc vương không đặt chân đến Hạ viện. Điều này xảy ra kể từ khi Vua Charles đệ nhất cố gắng bắt giữ năm nghị sĩ vào năm 1642, và Chủ tịch Hạ viện vào thời điểm đó (William Lenthall) từ chối cho nhà vua biết họ đang ở đâu.

Quyền lực của cây quyền trượng 

Cây trượng là biểu tượng cho quyền lực của Nữ hoàng ở Nghị viện và nó nằm trong phòng của Hạ viện khi các nghị sĩ họp. Bất kỳ cuộc tranh luận nào diễn ra mà không có nó là bất hợp pháp. Thực tế, Nghị viện không thể họp hoặc thông qua luật nếu thiếu chiếc gậy vàng quan trọng này.

Gần đây, nghị sĩ Lloyd Russell-Moyle đã gây ra một vụ chấn động khi tóm lấy chiếc trượng trong khi Thủ tướng Anh lúc đó là bà Theresa May tuyên bố, sẽ trì hoãn cuộc bỏ phiếu Brexit vào tháng 12.2018. Ông muốn dùng nó để thể hiện sự phản đối của mình.

Khi viết về lý do tại sao hành động như vậy trên tờ The Guardian, ông Lloyd thừa nhận rằng: “Đối với đại đa số mọi người, một người đàn ông trong chiếc quần vải moleskin cầm cây gậy vàng dài 5 ft (đơn vị dài của Anh, 1 ft=30,48 cm) có thể trông hơi kỳ quặc. Nhưng tôi làm việc đó ở một nơi rất kỳ quặc, nơi coi trong biểu tượng và nghi lễ”.

Nhiệm vụ "kỳ quặc" của Black Rod 

Một trong những nhân vật quan trọng trong Nghị viện Anh được gọi là Black Rod (Gậy đen). Đây là một quan chức thuộc Thượng viện, chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát việc ra vào và duy trì trật tự trong Thượng viện và các cơ quan của nó, cũng như các sự kiện, nghi lễ tại đây. Sở dĩ họ được đặt tên như vậy bởi vì, tại Lễ Khai mạc Nghị viện, họ dùng một cây gậy đen lớn đập vào cửa phòng họp ba lần.

Trước khi điều đó xảy ra, cửa phòng bị đóng sầm trước mặt họ, để thể hiện sự độc lập của Hạ viện.

“Cha, mẹ và em bé” trong Hạ viện là ai?

“Cha” của Hạ viện chính là nghị sĩ phục vụ liên tục lâu nhất (hiện tại là ngài Peter Bottomley, người làm nghị sĩ liên tục kể từ năm 1975). Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Theresa từng gọi nghị sĩ của Công Đảng Harriet Harman là “Mẹ của Nghị viện” vào tháng 6.2017, vì bà là nữ nghị sĩ phục vụ liên tục lâu nhất (từ năm 1982).

“Em bé của Nghị viện” không phải là nghị sĩ phục vụ ngắn nhất mà là người trẻ nhất. Cho tới nay, “Em bé” nhỏ tuổi nhất của Hạ viện kể từ năm 1667 là nghị sĩ Mhairi Black của đảng Dân tộc Scotland (SNP). Khi được bầu vào năm 2015, cô mới 20 tuổi.

Theo BBC
Thái Anh