Hạn ngạch giới tính và các hệ thống bầu cử:

Những yếu tố quyết định

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:33 - Chia sẻ
Hạn ngạch giới đã được áp dụng dưới một số hình thức ở 25 trong số 57 quốc gia đã bầu Quốc hội mới trong năm 2020. Trung bình, các nước có hạn ngạch đã bầu thêm 11,8% phụ nữ vào các Quốc hội đơn viện và Hạ viện, cũng như thêm 7,4% phụ nữ vào các Thượng viện. Những quy định hạn ngạch đã tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ tham gia vào chính trường.

Vai trò lá chắn

Chẳng hạn, Ecuador sẽ áp dụng hạn ngạch “theo chiều ngang” cho những người đứng đầu danh sách đảng. Trong khi đó, Peru và Serbia tăng mục tiêu hạn ngạch giới của mình, còn Ukraine đưa ra hạn ngạch ở cấp địa phương. Ngoài ra, hạn ngạch mới cũng đã được áp dụng thành công ở Ai Cập và Mali.

Theo IPU, hạn ngạch đóng vai trò như một lá chắn chống lại tình trạng tuột dốc số phụ nữ tham gia vào Quốc hội trong năm 2020. Chỉ có hai quốc gia có hạn ngạch có tỷ lệ đại diện phụ nữ giảm: đó là  Burkina Faso (giảm 3,1 điểm) và Jordan (giảm 4,6 điểm). Sự đảo ngược của Jordan phản ánh xu hướng rộng hơn rằng sự tham gia của phụ nữ thường giảm ở mức hạn ngạch. Trong khi đó, thực tế của Burkina Faso vào năm 2020 nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp thực thi đầy đủ và ý chí chính trị bền vững.

Có 7 Quốc hội không áp dụng quy định hạn ngạch giới chứng kiến tỷ lệ phụ nữ giảm từ 2 điểm phần trăm trở lên: Madagascar giảm 7,9 điểm ở Thượng viện, Liberia giảm 6,7 ở Thượng viện, Palau giảm 6,3 điểm ở Hạ viện và giảm 4,8 ở Thượng viện, Trinidad và Tobago giảm 4,8 điểm ở Hạ viện, Jordan giảm 3,8 điểm ở Hạ viện và Syria giảm 2 điểm ở Quốc hội đơn viện.

Các quốc gia có quy định hạn ngạch vượt trội hơn đáng kể so với các quốc gia không yêu cầu hạn ngạch. Các quốc gia có hạn ngạch giới tính trong các cơ quan lập pháp được bầu trực tiếp đã chứng kiến tỷ lệ đại diện của phụ nữ tăng trung bình 3,2 điểm (trung bình 27,4% tổng thể). Các cơ quan lập pháp được bầu trực tiếp ở các nước không có hạn ngạch giới (và không có hạn ngạch của đảng tự nguyện) chỉ đạt được trung bình 2,2 điểm. Trong khi đó, các cơ quan lập pháp được bổ nhiệm hoặc bầu cử gián tiếp không có quy định hạn ngạch đã đạt được mức tăng đáng kể, đạt trung bình 8,8 điểm vào năm 2020. Ngược lại, các cơ quan lập pháp được bổ nhiệm hoặc được bầu gián tiếp với số ghế dành riêng cho phái nữ đã mất trung bình 1,8 điểm vào năm 2020. Xu hướng này vào năm 2020 cho thấy hạn ngạch giới tiếp tục mang lại lợi thế đáng chú ý cho phụ nữ đang tìm cách ứng cử trong các cuộc bầu cử trực tiếp. Sự khác biệt lớn về kết quả đối với các cơ quan được bầu cử hoặc bổ nhiệm gián tiếp phản ánh các động lực chính trị nội bộ khác nhau, bao gồm cả hệ thống đảng thống trị.

Kết quả của các cuộc bầu cử vào năm 2020 chỉ ra rằng, hệ thống bầu cử có đóng vai trò trong việc thông qua (nhưng không hẳn hiệu quả) hạn ngạch giới tính. Cụ thể, hạn ngạch ít có khả năng được sử dụng trong các hệ thống bầu cử đa nguyên so với các hệ thống tỷ lệ hoặc hỗn hợp ở các quốc gia tổ chức bầu cử Quốc hội vào năm 2020. Tuy nhiên, các quốc gia có hạn ngạch hoạt động tốt như nhau trong cả hệ thống bầu cử đa nguyên và hệ thống bầu cử tỷ lệ hoặc hỗn hợp. Điều đó cho thấy cần phải loại bỏ các rào cản đối với việc áp dụng hạn ngạch trong các hệ thống bầu cử dựa trên đa số.

Nguồn: ITN

Nỗ lực từ mỗi quốc gia

Việc đặt ra các hạn ngạch giới như một chiến lược toàn cầu nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng loại bỏ phụ nữ ra khỏi chính trường đã có từ lâu. Trong nửa cuối thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã thiết lập hạn ngạch về giới trong chính trị một cách tự nguyện hoặc thông qua Hiến pháp. Báo cáo của IPU cho thấy, hạn ngạch bầu cử dành cho phụ nữ hiện lan rộng ra tất cả các khu vực trên thế giới với hơn 130 quốc gia đang áp dụng chính sách hạn ngạch. Trên thực tế, việc áp dụng hạn ngạch giới đã thật sự có hiệu quả, cải thiện đáng kể tỷ lệ nữ hoạt động trong hệ thống chính trị của một số quốc gia trên thế giới.

Tại Indonesia, các nhà hoạt động phong trào đã kiên trì đấu tranh để có thể đưa quy định về hạn ngạch dành cho phụ nữ thành một điều luật và đã thành công. Khoảng 30% hạn ngạch tự nguyện cho mỗi bên đã được quy định trong Điều luật số 12, 2003, có hiệu lực 1 năm trước khi cuộc bầu cử năm 2004 được tổ chức. Một điều khoản trong mục 65 Điều luật số 12, 2003 nêu rõ: mỗi đảng phái chính trị trong cuộc bầu cử được phép đề cử ứng viên làm thành viên của Nghị viện cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương cho mỗi khu vực bầu cử với tỷ lệ hiện diện của phụ nữ ít nhất là 30%. Tuy nhiên, hệ thống hạn ngạch này là không bắt buộc và không có chế tài để bảo đảm rằng các hạn ngạch này phải đạt được trong thực tế. Tại Ấn Độ, Hiến pháp (sửa đổi lần thứ 73) có hiệu lực năm 1992, quy định bắt buộc phải có ít nhất 1/3 số ghế trong các cơ quan dân cử địa phương của Ấn Độ dành cho phụ nữ. Tương tự, Hiến pháp Argentina có nội dung chống phân biệt đối xử với phụ nữ và ở cấp độ quốc gia đã xây dựng được hạn ngạch là 30% nghị sĩ nữ trong Quốc hội.

 Nhìn sang châu Âu, ở Bỉ, hạn ngạch giới tính bảo đảm rằng Quốc hội phản ánh thực sự dân số mà nó đại diện. Khi Quốc hội chỉ bao gồm chủ yếu là nam giới, sẽ rất khó để giành được sự ủng hộ rộng rãi đối với các quyết định chính trị cũng như chứng minh rằng mọi công dân đều có thể được bầu vào cơ quan lập pháp. Trong nhiều năm qua, Bỉ đã ban hành luật quản lý hạn ngạch giới ngày càng tham vọng. Đạo luật Tobback - Smet tiên phong tăng tỷ lệ nữ thành viên Quốc hội từ 16% trước đây lên 25% vào năm 1999 (Hạ viện). Theo đạo luật trên, các đảng phái chính trị được yêu cầu điền ít nhất 1/3 danh sách bầu cử của họ với các thành viên thuộc nhóm giới tính ít được đại diện, trong trường hợp này là phụ nữ. Nhờ đó, Hạ viện Bỉ đã chứng kiến tỷ lệ phụ nữ tăng lên 38% vào năm 2007, rồi 41% trong Hạ viện vào năm 2014, và 50% tại Thượng viện.

Thái Anh