Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới

Không có quyết định nào về thanh niên mà không có thanh niên

- Chủ Nhật, 13/09/2020, 08:29 - Chia sẻ
Phát biểu nhân Ngày Quốc tế Thanh niên, 12.8.2020, anh Melvin Bouva, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, người hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội Suriname đã tuyên bố: “Không thể có quyết định nào về chúng tôi, nếu không có chúng tôi!” để khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của sự tham gia chính trị của thanh niên; khẳng định tuổi trẻ là lực lượng đổi mới có nhiều đóng góp cho những nỗ lực tập thể nhằm giải quyết các vấn đề mà thế giới đối mặt. Trong suốt 7 năm qua kể từ khi thành lập, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ đã thúc đẩy nhiều chiến dịch và hoạt động để hướng tới sứ mệnh trên.

Chiến dịch "Không quá trẻ để ứng cử"

Trong xu thế ngày nay, có rất nhiều lý do thuyết phục để tăng đại diện thanh niên tại Nghị viện. Trước tiên, như một yêu cầu về sự công bằng, giới trẻ chiếm một phần đáng kể trong dân số, vì vậy họ xứng đáng được có đại diện tham gia vào bất cứ nơi nào ra quyết định chính trị. Một nghị viện mà không có tính đại diện cao sẽ khó phản ánh được ý kiến của người dân về những vấn đề quan trọng, thậm chí còn có thể khiến nhiều người hoài nghi vì tính hợp pháp của nó.

Như phát biểu của Chủ tịch Diễn đàn: “Tuổi trẻ với mọi lứa tuổi đang chờ đợi để được làm việc, nhưng họ đang bị khước từ. Chỉ 2,2% nghị sĩ trên thế giới dưới 30 tuổi. Khoảng 65% nghị viện, loại trừ những người trẻ tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu bầu giữ chức vụ, đơn giản vì tuổi của họ. Điều này không chỉ là một sự bất công, mà còn làm giảm khả năng tập thể giải quyết những thách thức của thế giới”.

Trước thực trạng trên, Diễn đàn đã hợp tác với Đặc phái viên về Thanh niên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và các đối tác khác để khởi động chiến dịch “Không quá trẻ để ứng cử”. Thông qua các thành viên và các nghị sĩ trẻ, IPU là một trong những tổ chức đầu tiên kêu gọi các quốc gia điều chỉnh độ tuổi tối thiểu để tham gia ứng cử vào nghị viện. Lời kêu gọi này đang được lan truyền trên mạng xã hội. Sử dụng dữ liệu từ IPU, trang web của chiến dịch -  www.nottooyoungtorun.org  - có nhiều thông tin, bao gồm các phân tích so sánh về độ tuổi tối thiểu cần thiết để ứng cử và tỷ lệ đại diện của thanh niên trong các cuộc bầu cử nghị viện.

Chiến dịch cũng khuyến khích các nước thành viên IPU hoàn thành vào năm 2035, các mục tiêu toàn cầu về sự tham gia của thanh niên vào các nghị viện quốc gia dựa trên tỷ lệ thanh niên trong dân số toàn cầu cụ thể là 15% nghị sĩ trẻ dưới 30 tuổi, 35% nghị sĩ trẻ dưới 40 tuổi, 45% nghị sĩ trẻ dưới 45 tuổi.

Chiến dịch này đã đưa đến những thay đổi tích cực. Đơn cử, Nghị viện Costa Rica và Liberia đã xem xét các đề xuất để giới thiệu hạn ngạch nghị sĩ trẻ. Nghị viện Nigeria ban hành một sửa đổi Hiến pháp hồi tháng 5.2018 để giảm yêu cầu về độ tuổi đối với các ứng cử viên tranh cử tổng thống cũng như các ghế tại cơ quan lập pháp. Đảng cầm quyền ở Nhật Bản cũng xem xét giảm độ tuổi đủ điều kiện làm việc cho tất cả cơ quan công quyền, hiện tại đang là 20 tuổi. Trước đó, năm 2015, đất nước mặt trời mọc đã hạ độ tuổi bỏ phiếu từ 20 tuổi xuống 18 tuổi.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nghị sĩ trẻ hồi tháng 3.2015 tại Việt Nam  

Nguồn: IPU 

Chiến dịch "Nghị sĩ trẻ lên tiếng về sự trao quyền chính trị của họ"

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thanh niên năm 2017, IPU đã đề nghị nghị sĩ trẻ trên toàn thế giới chia sẻ quan điểm của họ về các biện pháp đã áp dụng để tăng cường sự tham gia trong lĩnh vực chính trị. Chiến dịch này được tiến hành thông qua một chiến dịch truyền thông xã hội trên Twitter và Facebook. Thông qua các video chia sẻ trên facebook và Twiiter, các nghị sĩ trẻ đưa ra các ví dụ về cách họ tiếp cận với giới trẻ trong cộng đồng của họ và bảo đảm rằng các mối quan tâm và hành động của họ được lồng ghép vào các cuộc tranh luận tại cơ quan lập pháp của nước đó. Chiến dịch này là một phần trong công việc của IPU nhằm giúp tăng số lượng nghị sĩ trẻ trong các Quốc hội trên toàn thế giới. Năm 2017 cũng đánh dấu 20 năm ngày kỷ niệm của Tuyên ngôn về Dân chủ (UDD), được thông qua bởi IPU vào năm 1997.

Hội nghị toàn cầu về nghị sĩ trẻ

Kể từ năm 2014, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ đã tổ chức Hội nghị thường niên của các Nghị sĩ trẻ thế giới. Đến nay, Diễn đàn đã tổ chức được 6 Hội nghị thường niên Các nghị sĩ trẻ thế giới, lần lượt diễn ra ở Thụy Sĩ vào năm 2014, Nhật Bản năm 2015, Zambia năm 2016, Canada năm 2017, Azerbaijan năm 2018 và Paraguay năm 2019... Mỗi lần tổ chức, hội nghị đã quy tụ được gần 200 đại biểu nam, nữ thanh niên, các tổ chức quốc tế, hiệp hội thanh niên và các thành viên của xã hội dân sự trong một môi trường đoàn kết. Mục đích của hội nghị là truyền cảm hứng cho những nỗ lực tăng cường tính toàn diện trong chính trị, trao quyền cho các nam nữ nghị sĩ trẻ và giúp công việc của Nghị viện thuận lợi hơn với nhãn quan của những người trẻ tuổi. Chẳng hạn năm 2018, Hội nghị được tiến hành với chủ đề vô cùng thú vị: “Thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai”. Qua thảo luận, các đại biểu đã nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của các nghị sĩ đối với các thế hệ tương lai; đề cao nguyên tắc 7 thế hệ: Theo đó, khi đưa ra bất kỳ quyết định và hành động nào ở thời điểm hiện tại, các nghị sĩ đều cần xem xét tác động đến 7 thế hệ sau. Dựa trên thành công của mình, các hội nghị toàn cầu này đã khuyến khích việc thành lập cơ chế các hội nghị nghị sĩ trẻ khác nhau ở cấp khu vực và quốc gia.

Bên cạnh đó, các cuộc họp của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU diễn ra hàng năm cũng là dịp để những nghị sĩ trẻ bàn thảo những vấn đề thiết thực liên quan đến thanh niên. Chẳng hạn như tại cuộc họp của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ diễn ra trong khuôn khổ IPU-132 ở Việt Nam năm 2015, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp bảo vệ giới trẻ trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh mạng và an ninh nguồn nước.

Khuyến khích thành lập Quốc hội trẻ

IPU trên cơ sở khuyến nghị của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ cũng khuyến khích các thành viên thành lập các “Quốc hội trẻ” bao gồm các thanh niên đại diện tranh luận về chính sách và luật pháp, chất vấn các thành viên chính phủ và đưa ra khả năng phán đoán. Mục đích chính của hoạt động này là mang lại cho những người trẻ tuổi cơ hội để cảm nhận công việc của một thành viên Quốc hội, có thêm hiểu biết về Quốc hội.

Quốc Đạt