Các chiến dịch thực tế có an toàn hay không?

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:57 - Chia sẻ
Tất cả những biện pháp hạn chế này có mang lại sự bảo vệ hiệu quả đối với sức khỏe cộng đồng hay không? Hay chúng chỉ là những biện pháp hạn chế thiếu cân xứng mà chính quyền các nước đưa ra nhằm gây khó khăn cho các quyền tự do chính trị?

Về cơ bản, các biện pháp này cũng giúp hạn chế và ngăn ngừa đáng kể nguy cơ lây nhiễm virus corona khi các nước buộc phải tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử trong bối cảnh dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số báo cáo và thông tin trên báo chí cho rằng, các cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2020 đã khiến một số nơi lây nhiễm với tốc độ nhanh hơn. Chúng ta phải thận trọng khi tiếp cận với những thông tin này. Nếu không có một phương pháp luận mạnh mẽ, rất có thể chúng ta có xu hướng cho rằng, nguyên nhân khiến một nước hay một địa phương chứng kiến sự gia tăng lây nhiễm trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện bầu cử là do các hoạt động liên quan đến bầu cử, chẳng hạn như vận động hay tiếp xúc cử tri, mà quên mất rằng, rất có thể đó là tình huống lây truyền của cộng đồng thông thường, rất khó để biết được thực tế một cá nhân đã bị nhiễm virus từ khi nào và ở đâu. Thông tin trên phương tiện truyền thông thường kém tin cậy hơn, vì những thông tin này có xu hướng tập trung vào những tin tức mang tính giật gân hơn là đi tìm một bức tranh tổng hợp nên có thể có nhiều khả năng lan truyền thông tin sai lệch.

Tuy nhiên, các báo cáo hoặc các thống kê của các cơ quan đáng tin cậy sẽ cho chúng ta thông tin hữu ích. Chẳng hạn, một nghiên cứu mang tên: Ảnh hưởng của các cuộc họp nhóm lớn đối với sự lây lan Covid-19: Trường hợp các cuộc vận động của Trump do Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Stanford của Mỹ tiến hành vào tháng 10 năm ngoái đã đưa ra một số nhận định đáng lưu ý rằng: 18 cuộc tụ tập vận động ngoài trời trong các chiến dịch mà ứng cử viên Donald Trump tiến hành đã làm lây lan virus corona cho 30.000 người và có thể khiến khoảng 700 người tử vong (họ không nhất thiết là những người trực tiếp tham dự mà có thể là những người bị lây nhiễm từ những người tham dự sự kiện). Kết luận của Stanford được tiến hành dựa trên các thống kê, tập hợp và so sánh số lượng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong ở các địa phương nơi diễn ra các cuộc vận động. Cũng như vậy, một thống kê chính thức ở Burkina Faso cũng khẳng định, việc tụ tập đông người trong các chiến dịch bầu cử trong năm 2020 của nước này cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp nhiễm virus corona.

Một cuộc vận động tranh cử của ứng cử viên Donald Trump năm 2020  

Ở cấp địa phương, các báo cáo cho thấy trong cuộc bầu cử bang Sabah của Malaysia vào cuối tháng 9 năm ngoái, hầu hết các hướng dẫn y tế của Ủy ban Bầu cử về phòng, chống dịch bệnh trong thời kỳ đại dịch không được tuân thủ trong các chiến dịch vận động tranh cử. Kết quả là sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Muhyiddin Yassin của nước này thừa nhận, sự gia tăng đột biến gần đây về số ca nhiễm Covid-19 có thể là do các chiến dịch chính trị. Mười chính trị gia và ba quan chức bầu cử đã được xác định dương tính với virus corona sau cuộc bầu cử. Và chỉ một tháng sau, Malaysia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 4 con số, mức kỷ lục tính đến thời điểm đó.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Brazil, 20 ứng cử viên tranh cử trong cuộc bầu cử thành phố Brazil vào tháng 11.2020 đã tử vong vì Covid-19. Ở Pháp, tờ Le FigaroFrance Télévisions cũng đưa ra ra báo cáo về tình trạng gia tăng lây nhiễm Covid-19 sau cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở nước này. Một số ứng cử viên và nhân viên bầu cử hoặc đã được xác định nhiễm virus, hoặc đã qua đời ngay sau cuộc bầu cử do Covid-19. Mặc dù rất khó để biết chính xác tổng số ứng cử viên đã ứng cử trong mỗi cuộc bầu cử này, nhưng có khả năng lên đến hàng nghìn ở mỗi quốc gia.

Trước thực tế đó, cần thiết phải có sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng với bảo đảm tranh luận xã hội và vận động chính trị một cách dân chủ. Rõ ràng là cần có một số điều chỉnh của quy trình bầu cử để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe con người trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận là rất quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử và cần có các biện pháp để các ứng cử viên vẫn có thể truyền tải được thông điệp chính trị, cương lĩnh hành động của họ đến cử tri. Do các chiến dịch bầu cử ở mỗi quốc gia có trọng tâm khác nhau, đặc điểm chính trị của mỗi nước cũng khác nhau, có lẽ sẽ cần nghiên cứu các phương pháp tiếp cận riêng biệt cho vấn đề này thay vì “một chiếc áo vừa cho tất cả”.

Quỳnh Vũ