Phụ nữ tham gia Quốc hội năm 2020

Bức tranh toàn cảnh thế giới

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:28 - Chia sẻ
Theo ấn phẩm Phụ nữ tại Nghị viện năm 2020 do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phát hành mới đây, mặc dù các cuộc bầu cử trong năm ngoái bị đánh dấu bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng số phụ nữ tham gia vào các cơ quan lập pháp vẫn tiếp tục tăng 0,6% trong năm này, lần đầu tiên vượt mốc 25% tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện gộp lại trên toàn thế giới. Tín hiệu khả quan đó sẽ là động lực cho sự vươn lên mạnh mẽ của phụ nữ trong các cuộc bầu cử trong năm 2021.

Khu vực châu Phi cận Sahara

Phụ nữ chiếm 25% số nghị sĩ ở khu vực châu Phi cận Sahara trong năm 2020, tăng 0,6% so với năm 2019. Đây là khu vực xếp hạng 3 thế giới sau châu Mỹ và châu Âu. Trong số các Quốc hội mới trong năm 2020, số quốc gia khu vực vốn trước đó có mức đại diện tương đối cao của phụ nữ tại các cơ quan lập pháp (30% hoặc lớn hơn) vẫn giữ được đà tăng trưởng của mình, có thể kể đến Brundi, Tanzania và Cameron. Trong đó,  Burundi nắm ngôi vị cao nhất về số nữ nghị sĩ (38,2% ở Hạ viện và 41% tại Thượng viện).

Tuy nhiên, tại khu vực này, Mali và Niger là hai nước có số lượng nữ nghị sĩ tăng ngoạn mục. Cụ thể, tại cuộc bầu cử Quốc hội hai vòng tại đây, vốn được diễn ra trong những tháng đầu của đại dịch Covid-19, vào ngày 29.3 và 19.4.2020, phụ nữ Mali đã giành được 41 trong số 147 ghế trong Quốc hội đơn viện (27,9%), gần gấp ba lần tỷ lệ đại diện trước đó của phái yếu (9,5%). Dựa trên sự thành công của quy định hạn ngạch được sử dụng trong các cuộc bầu cử địa phương vào năm 2016, cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên được tổ chức kể từ khi Mali thông qua luật hạn ngạch giới tính vào năm 2015, theo đó yêu cầu ít nhất 30% các quan chức được bầu và bổ nhiệm là phụ nữ. Đây là bước tiến lớn vì quyền của phụ nữ ở Mali.

Trong khi đó, trỗi dậy từ mức rất thấp chỉ 1,2% vào năm 1996 lên mức 14,6% vào cuộc bầu cử trước, mức đại diện của phụ nữ tại Quốc hội một viện của Niger đã tăng ngoạn mục tới 11 điểm lên 25,9% vào năm 2020. Cuộc bầu cử năm ngoái được tổ chức bất chấp nhiều mối đe dọa bạo lực Jihad tại nhiều phần của đất nước. Cũng như Mali, sự tăng trưởng số nữ nghị sĩ ở Niger có được là nhờ vào cải cách hạn ngạch giới trong năm 2019, tăng thêm 10% số phụ nữ cho các vị trí được bầu và 15% số phụ nữ cho các vị trí được bổ nhiệm, lên mức 25% và 30% riêng rẽ.

Nguồn: Reuters

Châu Mỹ

Một lần nữa, châu Mỹ lại vượt qua các khu vực khác với số phụ nữ chiếm tới 32,4% số ghế Quốc hội trong năm 2020. Khu vực Mỹ Latin bước vào năm 2020 với một loạt biến cố chính trị trong khu vực vốn đã được bắt nguồn từ năm trước đó, như các cuộc biểu tình bạo lực ở Chile, Colombia hay Ecuador, việc từ chức bất ngờ của Tổng thống Bolivia Evo Morales sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi và sự kiện giải tán Quốc hội ở Peru. Đến giữa năm 2020, khu vực bị coi là tâm dịch Covid-19 với các đợt bùng phát rất mạnh ở Brazil, Mexico, Argentina, Colombia và Peru. Đại dịch Covid-19 đã tác động cực kỳ tiêu cực đến các nền kinh tế Mỹ Latin, khiến tình trạng bất bình đẳng ở khu vực trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bất chấp sự hoành hành của nó, các phong trào xã hội nữ quyền đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh chính trị của khu vực tại nhiều quốc gia.

Trong số những Quốc hội đơn viện và Hạ viện, những cải thiện lớn nhất về sự đại diện của phụ nữ tại các cơ quan này là ở Jamaica (tăng 11.1 điểm) và Guyana (tăng 5.2 điểm). Ở các Thượng viện, sự xuất hiện của phụ nữ diễn ra rất đáng chủ ý cũng ở Jamaica (tăng 14.2 điểm), Belize (tăng 13.2 điểm) và Trinidad và Tobago (tăng 8.4 điểm). Mặc dù tiến bộ ngày càng tăng, nhưng năm 2020 chứng kiến mức độ đại diện của phụ nữ trong Quốc hội Mỹ cao trong lịch sử (26,9% của cả hai viện cộng lại). Đặc biệt, Đảng Cộng hòa hiện có 38 nhà lập pháp là phụ nữ, hoặc nhiều hơn 14 người so với Quốc hội trước đó, phá vỡ kỷ lục năm 2006.

Trong số các nghị viện trong khu vực vượt qua tỷ lệ 30% phụ nữ, Guyana và Trinidad và Tobago giữ nguyên được thành tựu vốn có, trong khi Bolivia ghi nhận mức giảm tương đối dù vẫn nằm trong biên độ ngang bằng. Tỷ lệ nữ nghị sĩ ở Hạ viện Bolivia giảm từ 53,1% xuống 46,2%, tương đương với mức giảm 6,9 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, tỷ lệ đại diện của phụ nữ giảm xuống dưới 50% ở nước này, nhưng nó vẫn gần mức cân bằng. Bolivia vốn xếp thứ hai trên thế giới về tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong Quốc hội kể từ năm 2014, sau Rwanda và đã áp dụng hạn ngạch ngang bằng 50:50 giữa nam và nữ.

Châu Âu

Ở châu Âu, mức tăng tổng thể đáng kể nhất trong khu vực về số nữ nghị sĩ được ghi nhận ở Quốc hội đơn viện Croatia (tăng 10,6 điểm) và Thượng viện Ireland (tăng 10 điểm). Phụ nữ đã giành được thêm 16 ghế trong cơ quan lập pháp đơn viện của Croatia vào năm 2020, gần gấp đôi mức đại diện trước đó của họ trong các cuộc bầu cử năm 2015 và 2016. Kết quả đó đưa Croatia trở lại mức đại diện tương tự như kỷ lục trước đó (từ năm 2000 đến năm 2011, phụ nữ chiếm từ 17 - 24% số ghế). Sau khi Chính phủ thành lập, tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội đạt mốc 30%. Trong khi đó, trong cuộc bầu cử năm 2020, phụ nữ đã giành được thêm 6 ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện, mang đến tỷ lệ trung bình của phái yếu tại cơ quan này lên tới 40%, tăng từ mức 30% vẫn được giữ từ năm 2011.

Bốn quốc gia vượt quá 30% nữ đại biểu trong nghị viện trong các cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2020 là Ireland (40% nữ ở Thượng viện), Serbia (38,8%, đơn viện), Bắc Macedonia 35,8%, đơn viện) và Pháp (33,3%, Thượng viện). Thực tế, các quốc gia trên đã đạt đến ngưỡng 30% trong một số chu kỳ bầu cử trước năm 2020  và (ngoại trừ Thượng viện Ireland được bầu gián tiếp) đã không đạt mức tăng đáng chú ý nào trong đợt bầu cử năm 2020.

Châu Á

Tỷ lệ trung bình của phụ nữ trong các nghị viện châu Á tăng nhẹ lên mức 20,4% vào năm 2020 (tăng 0,4 điểm). 13 cuộc bầu cử cấp quốc gia được tổ chức ở 11 nước châu Á vào năm 2020 đã dẫn đến kết quả trung bình là 15,1% số phụ nữ đại diện tại Quốc hội. Phụ nữ chiếm 14% tại các Quốc hội đơn viện/Hạ viện và 17,4% tại Thượng viện trong các Khóa Quốc hội mới vào năm 2020.

Mức tăng đáng kể nhất trong khu vực thuộc về các Thượng viện ở Tajikistan (tăng 16,3 điểm), Kazakhstan (tăng 9,1 điểm) và Uzbekistan (tăng 7,7 điểm). Tất cả các cơ quan này được lựa chọn thông qua bầu cử gián tiếp. Các quốc gia có thành tích cao nhất nói chung trong khu vực, nơi các cuộc bầu cử được tổ chức là Nepal (37,9% phụ nữ ở Thượng viện) và Singapore (29,5% phụ nữ tại Quốc hội đơn viện). Nepal không thay đổi so với cuộc bầu cử gần đây nhất. Trong khi đó, phụ nữ đã giành được thêm 6 ghế trong Quốc hội 95 thành viên của Singapore trong năm 2020.

Linh Anh