Chuyển đổi giữa hai nhiệm kỳ nghị viện

Nghị viện Australia: Bảo toàn tính liên tục

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:40 - Chia sẻ
Giống như nhiều nước từng là thuộc địa của Anh, Nghị viện Australia được thiết lập theo mô hình nghị viện của mẫu quốc. Cơ quan lập pháp kế tục nhiều nghi thức truyền thống của Wesminster liên quan đến thủ tục giải tán và khai mạc cơ quan lập pháp.

Thực quyền giải tán nghị viện thuộc về Thủ tướng

Tại Australia, chu trình bầu cử liên bang được quy định tại Hiến pháp và Luật Bầu cử Khối Thịnh vượng chung năm 1918. Theo Chương đầu tiên của Hiến pháp, Nghị viện gồm 3 thành phần: Nữ hoàng, Thượng viện và Hạ viện. Toàn quyền do Nữ hoàng bổ nhiệm, là đại diện của Nữ hoàng tại các nước thuộc Khối thịnh vượng chung và có quyền hành động theo lệnh của Nữ hoàng, trong giới hạn những quyền năng mà Hiến pháp trao cho Nữ hoàng.

Toàn quyền có quyền ấn định thời gian họp của Nghị viện, và vì thế có vai trò trung tâm trong việc thành lập và giải tán Nghị viện. Song theo Hiến pháp, Nghị viện phải được triệu tập không quá 30 ngày kể từ ngày có kết quả bầu cử chính thức.

Mặc dù Đạo luật Bầu cử Khối Thịnh vượng chung 1902 quy định chi tiết về cách thức bầu cử, nhưng nhiệm kỳ của Nghị viện lại được xác định trong Hiến pháp. Cụ thể, Hạ viện có nhiệm kỳ 3 năm kể từ phiên họp đầu tiên của Hạ viện, nhưng có thể bị giải tán sớm hơn theo lệnh của viên Toàn quyền. Việc viên Toàn quyền quyết định giải tán Nghị viện được thực hiện theo truyền thống bất thành văn. Theo đó, Toàn quyền tuyên bố giải tán Nghị viện theo đề nghị của Thủ tướng. Thủ tướng cũng là người quyết định bao giờ tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Do đó, khó có thể dự đoán khi nào nhiệm kỳ của Nghị viện kết thúc.

Ví dụ, Nghị viện Khóa 42 bắt đầu từ ngày 12.2.2008, và theo Hiến pháp, nhiệm kỳ đúng ra kết thúc vào ngày 11.2.2011. Cuộc tổng tuyển cử để bầu Nghị viện khóa mới có thể được tổ chức muộn nhất vào ngày 16.4.2011. Nhưng thực tế cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 21.8.2010 và Nghị viện Khóa 43 bắt đầu vào ngày 28.9.2010.

Thượng nghị sĩ tuyên thệ tại lễ Khai mạc kỳ họp thứ 46 năm 2019

Nhiệm kỳ kết thúc bằng tiếng đại bác

Từ năm 1990, đã hình thành thông lệ là giải tán Nghị viện trước khi Hạ viện bị giải tán. Toàn quyền có thể ra một hoặc hai tuyên bố độc lập về việc giải tán Nghị viện và Hạ viện. Tiếp đó, thủ tục giải tán Nghị viện sẽ được công khai trong một buổi lễ ngắn tại trụ sở Nghị viện. Thành phần tham dự buổi lễ có Tổng Thư ký và Phó tổng Thư ký Hạ viện, Trưởng Ban an ninh cùng toàn bộ nhân viên của Hạ viện và Thư ký chính thức của Toàn quyền. Thư ký của Toàn quyền sẽ đọc tuyên bố giải tán Nghị viện trên. Trong trường hợp Thượng viện cũng bị giải tán, một quan chức của Thượng viện sẽ tham gia buổi lễ.

Sau buổi lễ, viên Toàn quyền sẽ triệu tập phiên họp của Hội đồng Điều hành tại trụ sở Chính phủ để tuyên bố tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Vào thời điểm chính xác được nêu trong Tuyên bố, 19 loạt đại bác được bắn để đánh dấu thời điểm Nghị viện chính thức bị giải tán. Tuyên bố giải tán Nghị viện sẽ được đính lên cửa phòng họp Nghị viện.

Duy trì và chuyển giao

Sau khi Hạ viện bị giải tán, Thủ tướng và Nội các mãn nhiệm vẫn tiếp tục điều hành cho đến ngày các thành viên Nội các mới tuyên thệ nhậm chức trước viên Toàn quyền. Quyền năng của các bộ trưởng được thực hiện theo truyền thống bất thành văn về hoạt động của Nội các lâm thời. Trong giai đoạn này, các bộ trưởng không được đưa ra các quyết định quan trọng như ban hành chính sách mới, sẽ có tác dụng dưới thời Chính phủ sắp nhậm chức. Các cuộc họp của Thượng viện bị dừng lại nhưng các ủy ban của Thượng viện vẫn có thể nhóm họp. Hoạt động của Nghị viện được bắt đầu lại sau khi lễ khai mạc Nghị viện khóa mới được tổ chức.

Đối với hoạt động Nghị viện, theo Đạo luật Điều hành Nghị viện 1965, Chủ tịch Nghị viện mãn nhiệm sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ trong giai đoạn Nghị viện bị giải tán cho đến khi Chủ tịch mới được bầu lên. Việc bầu cử Chủ tịch mới diễn ra vào ngày họp đầu tiên của Nghị viện khóa mới.

Cùng với đó, các dự luật và kiến nghị lập pháp cùng các hoạt động khác còn dang dở trước khi Hạ viện và Thượng viện giải tán, sẽ được chuyển giao cho khóa lập pháp tiếp theo.

Giữa truyền thống và hiện đại

Lễ khai mạc Nghị viện khóa mới của Australia được tiến hành với một số tập tục truyền thống được vay mượn từ Nghị viện Anh. Tại buổi lễ, Toàn quyền tuyên bố khai mạc Nghị viện khóa mới tại Thượng viện chứ không phải Hạ viện. Truyền thống này bắt nguồn từ thông lệ của Nghị viện Anh, theo đó, kể từ thế kỷ XVII, Quốc vương đã không bước vào Hạ viện. Ở Australia, Toàn quyền không được phép tham dự phiên họp của Hạ viện. 19 phát đại bác được bắn chào mừng sau khi Toàn quyền kết thúc bài phát biểu giống như lễ bế mạc một khóa nghị viện.

Một phần quan trọng của lễ khai mạc là tuyên thệ nhậm chức của tất cả các thành viên Hạ viện, cũng như các thượng nghị sĩ được bầu. Các thượng nghị sĩ mới của tiểu bang bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 1.7 sau cuộc bầu cử lại một nửa số thượng nghị sĩ.

Sau này, Nghị viện đã bổ sung một thủ tục mới trong Lễ Khai mạc được gọi là nghi lễ Chào mừng Cộng đồng thổ dân. Nghi lễ này được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 2.2008 trước khi Nghị viện Khóa 42 bắt đầu.

Chương trình Lễ khai mạc Nghị viện Khóa 46 năm 2019

9h: Lễ chào mừng Cộng đồng thổ dân được tổ chức tại Đại sảnh đường

10h50: Các Thượng nghị sĩ tuyên thệ nhậm chức. Tiến hành bầu Chủ tịch Thượng viện

14h: Toàn quyền có mặt tại Thượng viện, tiến hành lễ chào mừng Hoàng gia

14h25: Chủ tịch Thượng viện ra mắt Toàn quyền tại Hội trường

15h: Toàn quyền và các thành viên hai Viện tham dự Lễ khai mạc tại Thượng viện; Toàn quyền phát biểu trước hai Viện; bắn 19 phát đại bác chào mừng

16h: Tiệc chiêu đãi tại Hội trường

17h: Thượng viện bắt đầu phiên làm việc

 

Đạt Quốc
Theo peo.gov.au