Nghị viện Ấn Độ: Xử lý những công việc dang dở

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:33 - Chia sẻ
Theo quy định của Hiến pháp, Nghị viện Ấn Độ bao gồm Tổng thống và lưỡng viện, được gọi là Hội đồng Nhà nước (Rajya Sabha) và Viện Dân biểu (Lok Sabha hay còn gọi là Hạ viện). Với tư cách là một cơ quan thường trực và hoạt động liên tục, Rajya Sabha không bao giờ bị giải tán. Tuy nhiên, cứ hai năm một lần, cơ quan này bầu lại 1/3 số thượng nghị sĩ. Trong khi đó, nhiệm kỳ của các Hạ nghị sĩ là 5 năm và có thể kết thúc sớm hoặc muộn hơn trong một số trường hợp đặc biệt. Việc giải tán Hạ viện sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động lập pháp cũng như các ủy ban của Hạ viện, Thượng viện và các ủy ban chung.

Thủ tục giải tán Hạ viện

Kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Hạ viện, Tổng thống sẽ ban bố sắc lệnh giải tán Hạ viện. Ngoài ra, Hội đồng Bộ trưởng có thể thông qua Thủ tướng, đưa ra yêu cầu giải tán Hạ viện trước khi nhiệm kỳ của Hạ viện kết thúc, với lý do phe cầm quyền không còn chiếm đa số tại Hạ viện và cơ quan này không còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Theo thủ tục giải tán thông thường, vài ngày trước khi kết thúc kỳ họp cuối cùng, thông qua Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề về Nghị viện hoặc Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, Tổng thư ký Hạ viện sẽ xin ý kiến Thủ tướng về ngày tiến hành giải tán Nghị viện. Kiến nghị này của Thủ tướng sau khi được Chủ tịch Hạ viện chấp thuận, sẽ được trình Tổng thống xem xét. Một dự thảo sắc lệnh cùng với một thông báo về ngày giải tán nghị viện sẽ được Tổng thống ký ban hành vào ngày giải tán Nghị viện. Sau khi ban hành, sắc lệnh này được đăng trên Công báo. Cùng ngày, Tổng thư ký Hạ viện ra một thông cáo báo chí để công bố quyết định này trên cả nước.

Theo Luật Cơ chế đại diện năm 1951, các cuộc bầu cử hạ nghị sĩ sẽ diễn ra 6 tháng trước khi nhiệm kỳ của Hạ viện kết thúc. Quy định này nhằm bảo đảm sự hoạt động của Hạ viện không bị gián đoạn trong suốt quá trình diễn ra bầu cử.

Ảnh hưởng đối với Thượng viện

Việc Hạ viện bị giải tán có ảnh hưởng lớn tới công việc lập pháp tại Thượng viện (cơ quan hoạt động không theo nhiệm kỳ, vì vậy không bị giải tán). Đối với những dự luật đã trình, khi chưa được thông qua hoặc đã được thông qua tại Thượng viện nhưng chưa được chuyển lại cho Hạ viện, thì sẽ không chấm dứt khi Hạ viện bị giải tán. Với những dự luật được Chủ tịch Nghị viện gửi lại để hai viện xem xét, nếu tại thời điểm quyết định giải tán Hạ viện được đưa ra mà cả hai viện vẫn chưa giải quyết xong thì những dự luật này vẫn tiếp tục được xem xét khi Hạ viện khóa mới hoạt động.

Một phiên khai mạc kỳ họp của Hạ viện Ấn Độ

Nguồn: The week 

Ảnh hưởng đối với ủy ban

Trong hệ thống lập pháp Ấn Độ, các ủy ban này hoạt động như những cơ quan lập pháp “mini”. Việc giải tán Hạ viện sẽ khiến hoạt động của các ủy ban này phải tạm ngừng. Mọi công việc bị đình trệ tại ủy ban chung của hai viện và các ủy ban của Hạ viện. Quy định về thủ tục và nguyên tắc hoạt động của Hạ viện nêu rõ: “Một ủy ban nếu chưa hoàn thành công việc trước khi Hạ viện bị giải tán có thể báo cáo với cơ quan lập pháp về việc này. Mọi báo cáo sơ bộ, biên bản ghi nhớ hoặc lưu ý nào mà ủy ban đã chuẩn bị hoặc tiếp nhận, có thể được để lại cho ủy ban khóa sau”.

Những dự luật được trình ra Thượng viện và chuyển sang cho các Ủy ban thường trực phụ trách lĩnh vực liên quan của Thượng viện, sẽ không bị dừng lại, mặc dù các Ủy ban này không thể hoạt động do Hạ viện bị giải tán. Sau khi các ủy ban mới được lập ra, những dự luật đang bị đình trệ tại các ủy ban khóa cũ không cần phải trình lại, mà sẽ tự động được các ủy ban mới tiếp tục xem xét. Với những dự luật được trình ra Hạ viện và chuyển sang cho các Ủy ban thường trực phụ trách lĩnh vực liên quan của Hạ viện hoặc Thượng viện, những dự luật này sẽ bị dừng lại ngay khi Hạ viện bị giải tán. Những dự luật được trình ra Thượng viện và được chuyển sang cho các ủy ban thường trực phụ trách lĩnh vực liên quan của Hạ viện, cần được trình lại ra các ủy ban, sau khi Hạ viện và các ủy ban mới được thành lập.

Sau khi Hạ viện bị giải tán, các ủy ban chung của hai viện cũng giải thể theo. Cùng với đó, những thượng nghị sĩ tham gia các ủy ban chung này cũng sẽ thôi tư cách thành viên. Tuy nhiên, những dự luật được trình ra Thượng viện và được chuyển sang cho ủy ban chung do Thượng viện thành lập, sẽ không bị dừng lại sau khi Hạ viện giải tán.

Khi Chủ tịch Nghị viện ra thông báo triệu tập phiên họp chung của hai viện, nhằm xem xét một dự luật mà cả hai viện không đồng tình, thì dự luật đó sẽ không bị dừng lại nếu Hạ viện giải tán, với điều kiện quyết định triệu tập phiên họp chung được Chủ tịch Nghị viện đưa ra trước khi ra quyết định giải tán Hạ viện. Một dự luật được hai viện thông qua và chuyển lên cho Chủ tịch Nghị viện phê chuẩn sẽ không mất hiệu lực sau khi Hạ viện giải tán, mặc dù vấn đề này không được nêu trong Hiến pháp. Thêm vào đó, nếu dự luật được Chủ tịch Nghị viện trả lại cho hai viện để xem xét lại, thì Hạ viện kế nhiệm sẽ tiếp tục xem xét dự luật này và thông qua, sau khi đã sửa đổi nếu cần thiết.

Trích Tham luận của Tổng thư ký Thượng viện Ấn Độ VK AGNIHOTRI tại khuôn khổ Hội nghị Tổng thư ký Nghị viện năm 2011 ở Panama

Quỳnh Vũ