Chất vấn theo chiều sâu dựa trên báo cáo giám sát chuyên đề
Bên cạnh phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu, để tăng cường các nội dung chất vấn, Thường trực HĐND có thể đề nghị các Ban, các Tổ và đại biểu HĐND từ các hoạt động giám sát, khảo sát, TXCT và nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương nơi đại biểu được bầu đề xuất nội dung chất vấn, gửi về Thường trực HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, kết hợp với kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, ý kiến phản ánh của cử tri, thông tin của các cơ quan báo chí… Thường trực HĐND xem xét, quyết định các nhóm vấn đề có tính chất nổi cộm, bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm để dự kiến chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.
Cùng với đó, để hoạt động chất vấn đi vào chiều sâu, Thường trực HĐND tỉnh khuyến khích các Ban, Tổ đại biểu chất vấn chuyên đề dựa trên các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các đoàn giám sát HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh trình bày tại kỳ họp. Việc này, vừa giúp đại biểu HĐND có đầy đủ thông tin để chất vấn; vừa tránh lãng phí trí tuệ và tâm huyết của các thành viên đoàn giám sát, đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát. Mặt khác, việc tập thể Ban hoặc Tổ đại biểu HĐND cùng chuẩn bị nội dung chất vấn sẽ phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, giúp đại biểu tự tin hơn so với cá nhân đại biểu thực hiện quyền chất vấn đơn lẻ.
Có nơi quy định mỗi Tổ đại biểu chọn một số vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương, của ngành gửi về Thường trực HĐND để tổng hợp, đánh giá, lựa chọn làm câu hỏi chất vấn. Cách làm này sẽ khắc phục được tình trạng ít câu hỏi chất vấn; đồng thời, tránh được việc đại biểu nơi này hỏi vấn đề tại địa phương khác trong khi chưa có đủ thông tin. Trên cơ sở đó, Chủ tọa xác định và gợi ý những vấn đề bức xúc, nổi cộm để các đại biểu chất vấn, đại diện ngành chức năng cũng trả lời theo từng vấn đề.
Rõ đối tượng, thời gian, biện pháp khắc phục
Từ sau Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực, việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đã được thực hiện ở nhiều địa phương hơn, tạo ra cơ sở pháp lý buộc người trả lời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri. Nội dung này đòi hỏi kiến thức và bản lĩnh của Chủ tọa trong đưa ra các kết luận sau mỗi lượt chất vấn, quyết định các nội dung được đưa vào nghị quyết về chất vấn theo quy định. Gồm: đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân và trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn.
Trước khi phân công điều hành, các đại biểu trong Thường trực HĐND cần thống nhất chốt nội dung câu hỏi chất vấn trực tiếp. Ở đây, vai trò của bộ phận tham mưu, giúp việc của HĐND khá quan trọng. Bên cạnh tham mưu tổng hợp, bộ phận này cũng giúp Thường trực HĐND khâu nối với đại biểu đặt câu hỏi để xác định rõ mục đích đại biểu hỏi và mong muốn kết quả ra sao cũng như xác minh thực tiễn (nếu nội dung có địa chỉ). Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng, nếu câu hỏi ra giữa nghị trường mà thực tiễn không đúng như nội dung hỏi sẽ làm mất thời gian của kỳ họp cũng như HĐND sẽ bị đánh giá thấp. Bên cạnh đó, loại trừ các câu hỏi mang tính chỉ để hỏi, đã có kết quả giải quyết, trả lời cũng không giải quyết việc gì, hoặc câu hỏi mang tính lợi dụng diễn đàn để hạ bệ lẫn nhau.
Trên thực tế, thời gian diễn ra kỳ họp từ nội dung chất vấn đến việc thông qua nghị quyết khá ngắn. Vì vậy, công tác tham mưu, chuẩn bị cần tập trung cao, gần như đồng thời với quá trình diễn ra chất vấn. Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn là kết quả hết sức quan trọng của toàn bộ quá trình chất vấn, là cơ sở để HĐND tiếp tục giám sát; tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ tiếp thu, giải trình và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị quyết cần cụ thể nội dung, xác định rõ đối tượng, thời gian thực hiện, biện pháp khắc phục và trách nhiệm báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Sau khi được ban hành, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn cần được đôn đốc thực hiện và giám sát đặc biệt. Trên cơ sở nội dung nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong chương trình giám sát hàng năm của Thường trực, các Ban HĐND cần có nội dung giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, trong đó có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, theo từng lĩnh vực phụ trách. Tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, Thường trực HĐND đề nghị UBND và các đơn vị đã được chất vấn tại kỳ họp trước báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của HĐND thành phố. Đồng thời, rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị với nội dung của nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn để yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình thêm để đại biểu HĐND thành phố giám sát hoặc tiếp tục tái chất vấn. Đây là căn cứ đánh giá tinh thần trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan được chất vấn; đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của ngành chức năng.