Nghỉ hưu

- Chủ Nhật, 14/11/2021, 07:49 - Chia sẻ
Tùy theo mỗi người, mỗi nghề, mỗi tình, mỗi cảnh… mà người ta mong chờ hay buồn lo khi nghĩ tới thời khắc nghỉ hưu.

Nghỉ hưu là thời điểm kết thúc một trong những khoảng thời gian hoạt động quan trọng nhất của đời người. Đi qua tuổi ấu thơ trong trẻo, tuổi học trò vui tươi, con người bắt đầu bước vào chặng đời thường được coi là năng động, tích cực và hữu ích nhất trong lao động mưu sinh, tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bản thân, chăm lo cho gia đình và góp phần cho sự phát triển của cộng đồng. Thời gian làm việc đó thường kéo dài khoảng vài chục năm, tùy theo quan niệm và cách sống của mỗi người mà đoạn đời này mang theo niềm vui, sự phấn khích trong sáng tạo, cống hiến, đam mê hay nỗi nhọc nhằn, toan tính, bon chen, có sự chèn ép, giành giật, mưu mô hay bị chèn ép, đố kị với khổ đau, uất ức…

Tùy theo mỗi người, mỗi nghề, mỗi tình, mỗi cảnh… mà người ta mong chờ hay buồn lo khi nghĩ tới thời khắc nghỉ hưu. Ngày còn đi làm, tôi từng chứng kiến nỗi buồn của các anh chị khi gần tới tuổi nghỉ hưu, hầu hết họ lặng lẽ dần, như đang ý thức xếp dần cuộc đời vào ngăn cuối, bớt dần những hoạt động, những sôi nổi, say mê… chuẩn bị cho thời điểm được gọi theo cách “gượng vui” là “hiu hắt”. Tôi vẫn nhớ ấn tượng về một giáo viên khá điển hình cho “nỗi buồn hưu trí” - trước khi nghỉ vài năm, chị đã kể với tôi về việc xin giảm dần số lớp, số tiết mỗi tuần như một cách “giảm tốc”, tránh stress bởi tác động của việc nghỉ hưu đột ngột mà chị nói là một thứ “bạo lực tinh thần”. Tới khi nhận quyết định hưu trí, chị vẫn đăng ký dạy hợp đồng, hàng ngày chị thường tới sát giờ, âm thầm cắp cặp sách đi chéo từ cổng, qua sân, vào thẳng cửa lớp, hầu như không bao giờ bước vào phòng giáo viên, nơi chị không còn điểm gì chung với những bận rộn hay ồn ào "đấu hót" của hiện tại, nơi các hậu sinh nếu gặp chị, sẽ khẽ cười thay lời chào, nếu vô tình ngồi cạnh sẽ ngại ngùng nói chuyện thời tiết. Chị như cái bóng của cái quá khứ, vừa ý thức mình không còn thuộc về hiện tại, vừa không muốn lùi vào bóng tối của thời gian nên cố níu giữ sự hiện hữu trong không gian. Sự xuất hiện lặng lẽ của chị mỗi ngày khiến tôi không khỏi buồn bã, ngậm ngùi, và ngay từ lúc đó đã hiểu mình sẽ phải làm gì khi nghỉ hưu.

Tôi cũng chứng kiến nhiều cách sống của những người nghỉ hưu xung quanh. Có người từ khi nhận quyết định nghỉ hưu hoặc tự cho mình nghỉ hưu là đều đặn hàng ngày ra phố mua báo kết hợp với hình thức thể thao đi bộ, gắn ý nghĩa cuộc đời vào mấy tờ báo in tiêu biểu, đọc từ tiêu đề trang đầu cho đến giá tiền trang cuối…; có người tìm niềm vui trong các lớp dưỡng sinh, lớp khiêu vũ, câu lạc bộ ngoài trời…; có người giết thời gian (dù thời gian chẳng có tội tình gì, như ý thơ của Yevtushenko) trong trùng điệp những chậu cây trên sân thượng; có người thay các mối quan hệ đồng nghiệp thuở còn đi làm, nhất là khi còn “đương chức đương quyền” thành tình bằng hữu trong các group từ tâm linh tới sức khỏe; nhiều cụ bà tìm niềm vui không phải trong “bát canh” mà trong “manh váy mới”, nhờ con cháu thị phạm nhanh vài động tác tuổi teen mong cải lão hoàn đồng, tạo dáng chụp ảnh đăng FB…; nhiều người hối hả làm các việc để có thể yên tâm chờ chết: chụp sẵn ảnh thờ, viết sẵn di chúc, mua sẵn phần đất cho sau này, nơi con cháu tiện đường hương khói…

Tôi hay dạy học trò cách nhìn, cách nghĩ tích cực dù trước một vấn đề hay trước cả cuộc sống - đó là nguyên nhân khiến những hoài niệm của tôi chỉ thức dậy trong nỗi nhớ mà hầu như không tiếc nuối mong trở lại quá khứ. Bởi bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời, tôi cũng thấy quá khứ hiện ra với bộn bề những khiếm khuyết, và cảm thấy “bây giờ” mới là lúc mình già dặn nhất, ổn nhất, để rồi khi hiện tại trở thành quá khứ, tôi lại thấy “lúc ấy” sao mình quá dại khờ. Có lẽ vì thế mà tôi dễ bằng lòng với mọi chặng đời của mình: tuổi thơ trong sáng vô tư trong tình yêu thương của cha mẹ; tuổi học trò với cả ngây thơ và những cảm giác về sự chín chắn; tuổi thanh niên với những khát khao, những dại khờ, những thực tế đắng cay và những thoáng chốc lãng mạn ngọt ngào; thời đi làm, trăm ngàn gian truân và cả niềm vui trong những dấu mốc tạm gọi là thành công với riêng mình… Tất nhiên, tôi cũng ý thức được một sự thật để không ảo tưởng về sự “chín chắn” trong những thời khắc hiện tại của mình. Tôi hiểu người luôn nhận thấy những khiếm khuyết của quá khứ thực chất là người cả đời không hoàn hảo, đó là người luôn sống cảm tính theo những xúc cảm tức thời, kém lí trí, hay đúng hơn, lí trí thường đến muộn sau một quãng lùi của thời gian, đủ cho cái bồng bột nguôi lắng, để sau những “Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn”, “Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo…”, hiện tại chỉ biết mỉm cười cho một thời ngốc nghếch dại khờ.

Cách nghĩ tích cực không hẳn đã cần tới sự trợ giúp của tâm lí AQ, chỉ cần xác định rõ tính mục đích của từng chặng đường đời, mỗi ngày con người sẽ được thức dậy với cảm giác rút ngắn dần vạch đích. Ngày còn nhỏ, mục đích ấy chủ yếu gắn với niềm mong mỏi của cha mẹ: biết đi, biết nói, biết làm việc nhà…; đến khi đi học, mục đích lại đặt ra ở từng học kì, từng năm, từng cấp; thời gian đi làm, mục đích chính là tạo dựng và không ngừng nâng cao giá trị, sự hữu ích của bản thân ngay trong tính hiệu quả của từng công việc cụ thể mỗi ngày…

Và do vậy, thời điểm nghỉ hưu vui hay buồn cũng phụ thuộc vào đích mà con người đặt ra cho mình từ khi nhận sổ. Nếu tính quĩ thời gian theo cách của đồng hồ đếm ngược thì cuộc đời sẽ như “miếng da lừa” co ngắn lại mỗi ngày, con người thực sự sống chỉ để chờ chết. Còn nếu bình thản xác định lẽ sinh tử vô thường, mỗi sáng thức dậy với niềm vui được tạo hóa ân thưởng thêm một ngày trên cõi đời thì đây là khoảng thời gian thanh thản nhất trong cuộc đời. Mọi vấn đề khiến con người lao tâm khổ tứ như công việc mưu sinh, tình yêu, hôn nhân, gia đình, con cháu… về cơ bản đã tạm ổn hoặc ít ra là có thể tạm chấp nhận (và dù không chấp nhận cũng khó có thể còn cơ hội thay đổi), con người tương đối tự do làm những điều mình mong muốn, trong phạm vi sức khỏe và ngân sách cho phép. Nếu làm mọi việc chỉ để chờ chết, ý nghĩa cuộc sống sau hưu đương nhiên sẽ là cái chết đầy quyền lực. Còn nếu làm mọi việc theo cách tự do nhất, hứng thú nhất để tiếp tục nâng cao giá trị cuộc sống của mình khiến mình tự thấy vẫn hữu ích cho cuộc đời, ít nhất là cuộc đời của mình, của những người thân yêu quanh mình, nếu có đôi chút tích cực trong sự ghi nhận của cộng đồng thì chặng đường về đích cuối cùng của mỗi người có thể coi là không vô nghĩa.

Có cụm từ tựa như một slogan dành cho người cao tuổi: “sống vui, sống khỏe, sống có ích” - khi thiếu cái gì, người ta hay nhắc tới cái đó thì có lẽ slogan này đã hé mở ẩn ức sống buồn, sống yếu, sống vô ích, vô dụng của nhiều người nghỉ hưu. Khi nào tự giải thoát khỏi ẩn ức, nghỉ hưu sẽ trở thành thời điểm bắt đầu một chặng đời đẹp của con người, thậm chí là bắt đầu một khoảng thời gian thú vị nhất khi đã có những đằm lắng của trải nghiệm và hầu như không còn những chi phối, câu thúc từ ngoại cảnh, con người sẽ mang tâm thế của cụ Hi Văn thuở “đô môn giải tổ chi niên”, gửi cuộc đời theo cõi phiêu du “phau phau mây trắng”…

Tùy bút của Trịnh Thu Tuyết