Nghị định 93 sẽ bảo đảm hoạt động từ thiện công khai, minh bạch

- Thứ Bảy, 06/11/2021, 13:43 - Chia sẻ
Với nhiều điểm mới như cá nhân huy động từ thiện phải mở tài khoản riêng theo từng cuộc vận động, thông báo tới chính quyền về việc huy động đóng góp…, Nghị định 93/2021/NĐ - CP sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động từ thiện, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) VŨ ĐỨC HỘI nhận định.

Cá nhân vận động từ thiện phải mở tài khoản riêng

- Thời gian qua, việc minh bạch trong huy động đóng góp từ thiện của cá nhân nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nghị định 93/2021/NĐ - CP bảo đảm tính công khai, minh bạch trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Đây là điểm mới trong quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (gọi tắt là Nghị định 93).

Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Vũ Đức Hội
Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Vũ Đức Hội

Theo đó, để bảo đảm tính công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định nêu rõ: Cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối; đồng thời gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này.

Cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp. Bên cạnh đó, bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết. Đồng thời, cá nhân phải có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Cá nhân vận động quyên góp cũng phải thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Chậm nhất 3 ngày làm việc, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ phải hướng dẫn các nội dung trên; cử lực lượng tham gia phân phối cùng người vận động khi cần thiết hoặc theo đề nghị của người đó.

- Liệu cá nhân đứng ra vận động có được trích kinh phí từ nguồn đóng góp tự nguyện để chi trả cho các hoạt động liên quan như chi phí tiếp nhận, phân phối… không, thưa ông?

- Cá nhân đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả toàn bộ các chi phí liên quan, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp...

Trường hợp tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân vận động được trích kinh phí từ nguồn vận động nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Người vận động cũng cần mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong; công khai trên truyền thông và gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày. Các nội dung công khai gồm: văn bản vận động cứu trợ; kết quả tiếp nhận (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận); kết quả phân phối... Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu, người vận động cứu trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Hội chữ thập đỏ phường Tân Hà, TP. Tuyên Quang vận động quyên góp ủng hộ miền Trung tháng 10.2020
Hội chữ thập đỏ phường Tân Hà, TP. Tuyên Quang vận động quyên góp ủng hộ miền Trung tháng 10.2020

Chậm nhất 20 ngày sau kết thúc tiếp nhận phải phân phối

- Thực tế đã có trường hợp huy động đóng góp từ thiện xong nhưng sau nhiều tháng mới triển khai phân phối. Vậy Nghị định 93 điều chỉnh thế nào để bảo đảm sử dụng nguồn này kịp thời, hiệu quả?

- Nghị định 93 quy định rõ thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp). Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện truyền thông về thời gian vận động, tiếp nhận và thời gian cam kết phân phối. Đối với các khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân thực hiện theo đúng cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.

- Nghị định 64/2008/NĐ-CP được cho là còn hạn chế về nội dung chi hỗ trợ, chưa bao quát hết công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Liệu với Nghị định 93 đã khắc phục được vấn đề này, thưa ông?

 - Nghị định 93 đã quy định cụ thể nội dung chi từ nguồn vận động, tiếp nhận, trừ các khoản đóng góp tự nguyện có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì tổ chức, cá nhân vận động có trách nhiệm thực hiện theo cam kết.

Đối với nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể được chi theo các nội dung, bao gồm: Hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích hoặc chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân; hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn; hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Song song đó, hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, trường học… Hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố…

Nếu nguồn đóng góp tự nguyện còn dư, UBND thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để quyết định sử dụng thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn bị thiên tai, dịch bệnh bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu cuộc vận động. Nghị định khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân vận động chi theo các nội dung quy định tại Nghị định.

- Xin cám ơn ông!

Minh Châu