Nghệ thuật và kỹ thuật số

- Thứ Ba, 21/09/2021, 06:03 - Chia sẻ
Trong kỷ nguyên công nghệ phát triển, kỹ thuật số có mặt khắp nơi, hòa với nghệ thuật, tạo nên các loại hình tranh số, sắp đặt số, thực tế tăng cường, thực tế ảo... Có thể thấy, sự phát triển và thay đổi không ngừng của công nghệ ảnh hưởng lớn tới cách các nghệ sĩ tư duy và sáng tạo, đồng thời thay đổi cách tiếp cận của người yêu nghệ thuật.

Chương mới trong lịch sử nghệ thuật

Thời đại kỹ thuật số bùng nổ đã tạo ra nhiều phần mềm cũng như công cụ để phục vụ các nghệ sĩ sáng tạo. Chính sự tiện lợi của các công cụ và phần mềm kỹ thuật số đã dần thay đổi thói quen của các họa sĩ và hình thành nên một bộ môn nghệ thuật hoàn toàn mới là nghệ thuật kỹ thuật số.

Triển lãm các tác phẩm của danh họa Vincen Van Gogh tại Bảo tàng Nghệ thuật Kỹ thuật số ở Paris – Ảnh: luxuo.vn
Triển lãm các tác phẩm của danh họa Vincen Van Gogh tại Bảo tàng Nghệ thuật Kỹ thuật số ở Paris
 Ảnh: luxuo.vn

Tại buổi nói chuyện "Nghệ thuật số: Sự phân nhánh liên tục và những dòng chảy mới" cuối tuần qua, do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tổ chức, nghệ sĩ Nguyễn Trà Giang cho biết, nghệ thuật số ra đời từ thế kỷ XIX và thực sự được hình thành từ giai đoạn 1960 - 1990, phát triển tới nay. Trước đây, nhiều người nhận định nghệ thuật truyền thống có giá trị hơn là nghệ thuật số, đến nay, quan niệm đã phần nào thay đổi, mở ra nhiều cơ hội hơn cho nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật này.

Các tác phẩm nghệ thuật số ngày càng được công chúng quan tâm hơn. Tháng 3 vừa qua, một bức tranh ghép kỹ thuật số Everydays: The First 5.000 Days của nghệ sĩ người Mỹ Beeple được bán với mức giá kỷ lục 69,3 triệu USD tại phiên đấu giá của hãng Christie's danh tiếng. Đây là dấu mốc cho thấy ngành sáng tạo nghệ thuật dựa trên nền tảng kỹ thuật số đang nhanh chóng định hình như một ngành sáng tạo mới. Với mức giá trên, "Everydays: The First 5.000 Days" trở thành tác phẩm sáng tạo nghệ thuật số độc quyền - "non-fungible token" (NFT) có giá trị cao nhất tính tới nay.

Tháng 6 vừa qua, trong phiên đấu giá của Sotheby's, tác phẩm mang tên "Quantum", được nghệ sĩ người Mỹ Kevin McCoy tạo ra bằng cách mã hóa nguồn gốc thành một tác phẩm kỹ thuật số gốc sử dụng công nghệ blockchain, cũng được bán với giá 1,47 triệu USD...

Dù còn lạ lẫm với khá nhiều người nhưng các sản phẩm kỹ thuật số - được bảo đảm bởi công nghệ blockchain, đang trở thành những vật sưu tầm ưa thích trên nhiều thị trường khác nhau. Theo nghệ sĩ Beeple, việc sử dụng phần cứng và phần mềm để tạo ra và đăng tải tác phẩm nghệ thuật trên internet đã được thực hiện hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, chỉ khi NFT ra đời, những tác phẩm này mới thực sự có cơ hội để được công nhận tính sở hữu và trở thành tác phẩm có thể sưu tầm. Nghệ sĩ trẻ này tin tưởng đây chính là mở đầu của chương mới trong lịch sử nghệ thuật thế giới.

Nghệ thuật cập nhật sự phát triển của công nghệ

Triển lãm các tác phẩm của danh họa Vincen Van Gogh tại Bảo tàng Nghệ thuật Kỹ thuật số ở Paris
 Ảnh: luxuo.vn

Với nghệ thuật truyền thống, nghệ sĩ sử dụng cọ và màu vẽ trên canvas, thì nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật số thực hiện tác phẩm với các công cụ như bảng vẽ điện tử, các phần mềm để tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Nghệ thuật số không chỉ gói gọn vào việc cầm chuột thiết kế, mà còn có nghệ thuật sắp đặt, thực tế tăng cường, thực tế ảo...

Gần đây, các triển lãm kỹ thuật số giới thiệu tác phẩm của các danh họa như Vincent Van Gogh, Gustav Klimt... đã được tổ chức tại một số quốc gia. Không chỉ trình chiếu những bức tranh tĩnh, công nghệ số được sử dụng ở đây còn tạo nên hiệu ứng chuyển động cho một số chi tiết trong tranh, kết hợp với âm nhạc, đem đến cho người xem trải nghiệm chân thực, sống động và mới mẻ. Tại Việt Nam, năm 2019 VCCA tổ chức triển lãm phiên bản số giới thiệu 35 tác phẩm của Vincent Van Gogh với những trải nghiệm thị giác độc đáo so với bản gốc.

Từng có những cuộc tranh luận lớn xoay quanh câu hỏi: Nghệ thuật kỹ thuật số có phải là nghệ thuật thật sự không? Thực tế, tác phẩm nghệ thuật số có nhiều điểm khác với tác phẩm truyền thống: Tác phẩm nghệ thuật số được định dạng bằng công nghệ kỹ thuật số nên không thể chạm được - chỉ có thể chạm vào màn hình; tuy nhiên lại dễ chia sẻ, khó bị hủy hoại bởi các yếu tố vật lý. Để thưởng thức, mọi người cần có thiết bị công nghệ. Điểm hạn chế là tác phẩm nghệ thuật số dễ bị sao chép, đánh cắp ý tưởng... Nhiều chuyên gia cho rằng, khó có thể nói nghệ thuật truyền thống hay nghệ thuật số hay hơn, giá trị hơn, mà chúng bổ sung cho nhau, đưa tới khán giả cách tiếp cận mới trong nghệ thuật.

Các nghệ sĩ luôn cố gắng cập nhật sự phát triển của công nghệ, và đang có những dòng chảy mới trong nghệ thuật số. Hiện nay, tại Việt Nam, nghệ thuật số không phải khái niệm xa lạ, số lượng người bước chân vào lĩnh vực này tăng dần, ngành nghệ thuật số cũng được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của công nghiệp sáng tạo nghệ thuật trong kỷ nguyên 4.0. Gần đây, một số nền tảng đã ra mắt, nhằm tạo hệ sinh thái cho tác phẩm nghệ thuật số của Việt Nam...

Nghệ sĩ Nguyễn Trà Giang cho rằng, cộng đồng sáng tạo Việt Nam ngày càng chú ý hơn tới nghệ thuật số. Loại hình nghệ thuật mới này được kỳ vọng sẽ giúp các nghệ sĩ kết nối với bạn bè quốc tế dễ dàng hơn, tên tuổi của ngành sáng tạo nghệ thuật Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ sáng tạo thế giới.

Ngọc Phương