Bài 1: “Đặc sản” của mỹ thuật Việt Nam

- Thứ Hai, 15/03/2021, 07:35 - Chia sẻ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030. Với nhiều nội dung cụ thể, đề án nhằm góp phần chấn hưng, khẳng định giá trị và thúc đẩy sự phát triển của sơn mài - loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam - truyền thống và sáng tạo

Bắt nguồn từ những kỳ vọng về việc khám phá ra ngôn ngữ nghệ thuật riêng cho dân tộc, cho đến nối tiếp, phát huy tính sáng tạo của các thế hệ họa sĩ, sơn mài truyền thống Việt Nam đã trở nên giàu có và phong phú hơn nhờ sự đa dạng trong cách thể hiện và ý tưởng đặt lên tấm vóc, dần khẳng định một vị trí quan trọng, không thể thay thế trong nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Hiện hữu nghìn năm

Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, sơn ta - sơn mài là di sản vô giá, rất gần gũi với đời sống tâm linh và sinh hoạt hằng ngày của mỗi người Việt Nam. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: Lần giở từng trang sử mới thấy sự hiện hữu của sơn mài thật kỳ vĩ, phong phú, thật khó có chất liệu nào sánh kịp. Tại Mộ cổ - Mộ thuyền Việt Khê có niên đại từ thời Văn hóa Đông Sơn, được phát hiện tại Việt Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng, năm 1961, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những công cụ bằng sơn ta và được phủ sơn như mái chèo, cán giáo... trong lòng thuyền, là minh chứng về sự có mặt của chất liệu sơn ta từ rất sớm.

Đến thời Lý (1009 - 1225), Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 của Ngô Sỹ Liên có ghi chép về phường thợ sơn. Khá nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc được tô sơn như tượng Phật bằng gỗ chạm nổi được sơn son thếp vàng. Trong “Lịch sử thông giám cương mục phần chính biên” đề cập đến Vương triều Trần (1226 - 1400) có nhắc đến sơn ta: “Vào thời nhà Trần từ tôn thất đến quan Ngũ phẩm đều được dùng sơn son, sơn then cho kiệu và sơn đỏ cho mũ trụ áo giáp để tăng vẻ hùng mạnh. Thời đại đạo Phật đang độ hưng thịnh ngành sơn được trọng vọng và phát triển có thể thấy rõ qua các đồ thờ, ngai thờ đều được tô son...”. Những năm đầu thế kỷ XVII, kỹ thuật dùng sơn thếp vàng, thếp bạc tạo hiệu quả, làm cho sơn mài ngày càng rực rỡ trên các thân tượng Phật, tượng Hoàng hậu, cung phi...

		Nghệ thuật sơn truyền thống từ ngàn năm bước sang lĩnh vực hội họa - Ảnh: Chọn's
Nghệ thuật sơn truyền thống từ ngàn năm bước sang lĩnh vực hội họa
Ảnh: Chọn's

Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được người Pháp thành lập và hiệu trưởng đầu tiên là họa sĩ Victor Tardieu đã đưa vào chương trình học “sơn”, đồng thời mời các thợ sơn, nghệ nhân sơn có tiếng từ khắp nơi về nghiên cứu và giảng dạy. Với những mò mẫm tìm tòi, nghệ nhân và các họa sĩ trẻ tài năng khi ấy đã mở ra một phương pháp vẽ tranh sơn mài. Đây là bước đột phá vì sơn ta ngoài cách sử dụng làm tăng độ bền và trang trí sản phẩm gia dụng, nay được vận dụng thành chất liệu sử dụng trong hội họa.

Theo TS. Trần Thị Biển, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925) là dấu mốc quan trọng về sự phát triển từ kỹ thuật làm sơn trên đồ ứng dụng (mỹ nghệ) sang kỹ thuật vẽ sơn tạo hình (tác phẩm mỹ thuật). Bên cạnh việc tiếp thu kỹ thuật về sơn cổ truyền cũng như nhận biết về ưu điểm của chất liệu sơn ta, các họa sĩ bước đầu đã thể nghiệm, nghiên cứu sáng tạo ra tranh sơn mài.

Cách tân từ truyền thống

Có thể thấy, sự kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây và chất liệu sơn ta truyền thống của Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển mới, đưa nghệ thuật sơn truyền thống nghìn năm mang đậm tính trang trí bước sang lĩnh vực hội họa. Bên cạnh việc tiếp thu kỹ thuật về sơn cổ truyền cũng như nhận biết về ưu điểm của chất liệu sơn ta, các họa sĩ bước đầu đã thể nghiệm, nghiên cứu sáng tạo ra tranh sơn mài.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân từng nhận định: “Màu của sơn mài đằm thắm sắc nhị âm vang sâu rộng; rung động tận đáy lòng, không một màu đỏ sơn dầu đứng cạnh màu son mà không tái nhợt, chưa một màu đen của sơn dầu cạnh màu đen của sơn mài mà không bị bợt và trơn. Sơn mài có đặc thù của quy luật đồng sắc, tức là một hòa sắc làm chủ đạo vốn là truyền thống của nghệ thuật trang trí và mỹ nghệ sơn ta từ lâu tuy nhiên vẫn đáp ứng được khả năng diễn tả ánh sáng đậm nhạt, không gian, tả chân”.

Những họa sĩ tiên phong như Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Phạm Hậu, Trần Quang Trân... đã nghiên cứu kỹ về kỹ thuật sơn ta để có thể pha chế, vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau và mài, thể nghiệm thành công tranh sơn mài với sơn son, vỏ trứng. Những bức tranh sơn mài lộng lẫy, đề tài thơ mộng lãng mạn của các họa sĩ thời cận đại đã thể hiện điều đó, như: “Gió mùa hạ” của Phạm Hậu, “Đánh cá đêm trăng”, “Ông nghè vinh quy” của Nguyễn Khang, “Cảnh chùa Thầy” của Hoàng Tích Chù, “Thiếu nữ và biển” của Nguyễn Văn Tỵ...

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: “Người cách tân hoàn hảo cho sơn mài là họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Ông đã làm cho sơn mài thực sự là hội họa, không còn vương vấn chất mỹ nghệ nữa. Bảng màu đôn nhã, bình ổn của Nguyễn Gia Trí đã tạo cho sơn mài một ngôn ngữ rộng lớn, khoáng đạt, tha thiết, thả sức tung hoành cho cảm xúc nghệ thuật...”. Có thể coi Nguyễn Gia Trí là người cách tân nghệ thuật sơn mài Việt Nam từ truyền thống và từ hiện thực đến trừu tượng. Những ngã rẽ rất quan trọng trong cảm nhận về sơn mài của Nguyễn Gia Trí đã mở đầu cho những khuynh hướng hiện đại trong chất liệu sơn mài ở giai đoạn sau năm 1945 với đại diện là Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm...

Họa sĩ Phạm Chính Trung nhận định: Tranh thể hiện bằng chất liệu sơn ta đã mang đến cho hội họa Việt Nam nói riêng và hội họa thế giới nói chung một chất liệu hội họa mới mà chưa nước nào có, đến mức có người muốn gọi nó thành “quốc họa”, như để khẳng định cùng với tranh lụa hiện đại, sơn mài là thứ “đặc sản” mà mỹ thuật Việt Nam có thể góp mặt trong làng hội họa thế giới.

Tiếp bước sự sáng tạo nghệ thuật tranh sơn mài của các bậc thầy, ngày nay nghệ thuật sơn mài đương đại vẫn được kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng nghệ sĩ. Qua thời gian, sơn mài vẫn là chất liệu bí ẩn, và kỳ diệu, đang chứng tỏ khả năng vô tận trong mọi khả năng biểu đạt.

Ngọc Phương