Nghề cá Nghệ An nỗ lực gỡ thẻ vàng

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:39 - Chia sẻ
Để thực hiện Chỉ thị 45/TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EU) về gỡ thẻ Vàng, thực tiễn thi hành Nghị định 17/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã bộc lộ những khó khăn vướng mắc.

Cú hích về chuyển đổi phương tiện

Kết quả 5 năm thực hiện Nghị định 67/2014 và hơn 2 năm triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg cho thấy, mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc nhưng Nghệ An là một trong 3 tỉnh có số tàu đóng mới, chuyển đổi nhiều nhất trong 28 tỉnh ven biển. Cụ thể, trong 5 năm, ngư dân Nghệ An vay hơn 1.246 tỷ đồng để đóng mới 104 chiếc, trong đó 90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép và 5 tàu bằng vật liệu mới composite. Ngoài các tàu đánh bắt, lần đầu tiên Nghệ An có 3 tàu chuyên về dịch vụ hậu cần và 39 tàu dịch vụ kiêm khai thác. Đưa tổng đội tàu đánh bắt xa bờ, có chiều dài mạn tàu từ 15m trở lên gần 1.260 chiếc.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy hậu cần nghề cá, tỉnh đã lồng ghép, đầu tư và đưa 2 cảng cá lớn là Lạch Cờn, Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu và cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò với gần 180 tỷ đồng vào hoạt động; hiện tỉnh đang tiếp tục đầu tư 200 tỷ đồng để nâng cấp cảng cả Lạch Quèn, Quỳnh Lưu.

Nhờ “cú hích” về hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67/CP mà tỉnh đã tạo ra bước ngoặt để chuyển đổi, nâng cao năng lực đội tàu đánh xa bờ. Từ khởi điểm chỉ vài trăm tàu đánh xa bờ công suất lớn do ngư dân tự vay vốn đầu tư đóng mới, sau 5 năm Nghệ An đã có đội tàu đánh xa bờ trên 1.260 chiếc, bình quân mỗi năm đóng mới từ 40 - 50 tàu đánh xa bờ. Song song với nâng cao năng lực tàu để vươn khơi bám biển, đội tàu nhỏ dưới 15m, đánh bắt gần bờ cũng được chuyển đổi theo hướng giảm dần, từ 70 - 80 tàu/năm. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt năm 2018 đạt gần 158.000 tấn, tăng gấp 2 lần với thời điểm năm 2010. Năm 2019 và 2020, mặc dù đánh bắt khó khăn nhưng sản lượng tăng khoảng 20% so với năm 2018.

 Từ năm 2018, trên cơ sở Luật Thủy sản và những bất cập trong thực hiện Nghị định 67/CP, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo  nghị định này, tỉnh đã hỗ trợ 3 ngư dân xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu đóng mới 3 tàu vỏ thép với tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng, trong đó ngư dân đầu tư 48 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 35% tương đương với số tiền 24 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ lãi suất, ngư dân đóng tàu 67/CP còn được hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và hỗ trợ chi phí vận chuyển khi làm dịch vụ hậu cần nghề cá tham gia khai thác hải sản, duy tu sửa chữa định kỳ cho các tàu vỏ thép. 

Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân  

Sớm tháo gỡ

Mới đây, Nghệ An đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi những bất cập của Nghị định 17/2018; đồng thời Bộ Tài chính sớm phê duyệt khoản vay hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 17/2018. Hiện tại, cùng với khuyến khích bà con đóng đầu tư chuyển phương tiện để đánh xa bờ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quy định tiêu chí. Theo đó, hạn chế bà con mua các tàu cá đã sử dụng trên 10 năm từ các tỉnh vào địa bàn để từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh xa bờ, giảm dần số lượng tàu nhỏ; đánh bắt gần bờ trái phép.

Có thể thấy, giai đoạn từ năm 2015 - 2017 là thời “hoàng kim” của đánh bắt xa bờ của Nghệ An, không chỉ sản lượng tăng mà chất lượng, giá trị thu nhập cũng bảo đảm. Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội nghề cá Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Thời điểm đó, có những chuyến đi gần như chỉ ra biển là xúc cá về. Sau khi trừ chi phí và nhân công, lãi ròng mỗi tàu hàng trăm triệu đồng nên bà con rất phấn khởi nên bà con rất mạnh dạn vay để mua, đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Thế nhưng, từ năm 2018 theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân chỉ được hỗ trợ 50% bảo hiểm thân vỏ; không được hỗ trợ mua bảo hiểm ngư lưới cụ và thuyền viên. Bên cạnh đó, Luật Thủy sản, cùng với khuyến cáo của EU, Chính phủ đã có một số giải pháp quản lý và quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động khai thác. Cụ thể, cùng với quy định về chuyển đổi đơn vị tính công suất tàu cá bằng sức ngựa (CV) sang tính chiều dài, tàu muốn ra khơi phải đầy đủ hồ sơ danh sách thuyền viên, nhật ký ra vào cảng và định vụ vùng đánh bắt. Không những thế, tàu có chiều dài trên 24m phải lắp đặt GPS từ 1.7.2019 và từ 1.4.2020, tàu có chiều dài từ 15m đến 24m phải lắp đặt giám sát hành trình, kết nối 24/24 giờ. Đặc biệt, nếu đánh bắt không đủ thủ tục giấy tờ sẽ bị xử phạt nặng gấp 5 - 10 lần so với trước đây. Với những quy định trên, nên nhiều tàu cá thay vì vươn khơi bám biển thì chấp nhận nằm bờ hoặc đánh bắt sai vùng biển.

Đại diện Chi cục Thủy sản Nghệ An nêu thực tế, hoạt động đánh bắt xa bờ ngày càng khó khăn và hiện các địa phương có số tàu nhỏ, từ 6m đến 15m còn khá nhiều, chiếm gần ½; trong khi đó tàu có chiều dài từ 15 đến dưới 24m tại các tỉnh, thay vì đánh xa bờ thì lại đánh gần bờ khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Tàu trên 24m xa bờ khi ra khơi, dù kết nối GPS là bắt buộc nhưng thường lấy lý do sự cố kỹ thuật tắt GPS nên rất khó kiểm soát. Mặt khác, do phía nước ngoài tăng cường số lượng, phương tiện tuần tra, xua đuổi nên ngư trường đánh bắt ngày càng bị thu hẹp. Chính vì thế, đánh bắt không hiệu quả, nên xử phạt thì làm khó bà con ngư dân, mà không xử phạt thì không đúng với Luật Thủy sản, Chỉ thị 45/CT-TTg.

Trước tình hình trên, để nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bà con ngư dân chuyển đổi phương tiện, đánh bắt theo đúng luồng tuyến, giấy phép để góp phần tháo gỡ thẻ vàng; mặt khác tiếp tục động viên bà con tích cực vươn khơi bám biển, nâng cao hiệu quả đánh bắt để kịp thời trả nợ vay ngân hàng, nếu tàu nào thực sự khó khăn thì xem xét hoãn trả nợ.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải